Thứ Ba, 30 tháng 3, 2010

Những người bạn đồng hành của tôi.

Trong những chuyến độc hành tới vùng đất lạ, bao giờ tôi cũng tìm được cho mình một hay một vài người bạn đồng hành. Đó có thể là đàn ông hay đàn bà, đó có thể là một người đàn ông phương Tây cô độc hay một cặp vợ chồng Việt Nam trung tuổi, đó có thể là một cô gái trẻ hay một thiếu phụ đã có gia đình... Quãng thời gian cùng đồng hành không dài, thường là một ngày hoặc có thể hai ba ngày. Chúng tôi là những người xa lạ vô tình gặp nhau ở cùng một hành trình. Chúng tôi cùng đi, cùng ăn, chia sẻ với nhau một vài thông tin về bản thân và một vài quan điểm, sở thích trong cuộc sống. Thường là những câu chuyện vui vẻ, có khi là những câu chuyện tâm sự nào đó. Chúng tôi giúp nhau chụp những tấm ảnh hoặc chụp ảnh của nhau. Rồi chia tay, không xin số điện thoại, địa chỉ, chia tay và không bao giờ gặp lại... Có cuộc chia tay vội vã thậm chí không kịp gửi một lời chào, có cuộc chia tay kịp nở với nhau những nụ cười thân thiện... Tôi vẫn lưu giữ một vài tấm ảnh của một vài người bạn đồng hành đó và thi thoảng lúc xem lại ảnh của mình tôi cũng xem lại hình ảnh của họ, thường thì tôi cũng quên cả tên của họ rồi. Đôi khi tôi tự hỏi họ giờ này đang ở đâu và đang làm gì, cuộc sống của họ thế nào??? Đôi khi tôi cảm thấy buồn khi xem lại ảnh của ai đó, tự nhiên, vì thực sự muốn biết hiện tại họ ra sao mà không cách nào có thể biết được... Biết đâu ở một góc nào đó trong thế giới rộng lớn này, họ cũng đang xem lại ảnh của tôi và tự hỏi tôi đang làm gì và ở đâu...

Chủ Nhật, 21 tháng 3, 2010

Địa đạo Củ Chi – chứng tích lịch sử oai hùng.

Nằm
cách thành phố Hồ Chí Minh gần 70km về hướng Tây Bắc có một địa danh rất nổi
tiếng đó là Địa đạo Củ Chi, một di tích lịch sử gắn liền với những chiến công
vang dội của quân và dân ta trong những năm chiến tranh khốc liệt. Được xây
dựng dưới những tán cây rừng, Địa đạo Củ Chi vừa là căn cứ địa vững chắc của
Khu uỷ Quân khu Bộ tư lệnh Sài Gòn – Gia Định, của Huyện uỷ và nhân dân Củ Chi,
vừa là thế trận đánh giặc có một không hai trên thế giới, rất độc đáo, linh
hoạt luôn biến hoá khôn lường đã góp phần không nhỏ vào công cuộc kháng chiến
chống giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước. Ngày nay, khu di tích này đã trở
thành một điểm tham quan du lịch hấp dẫn, lý thú và cũng là điểm đến quen thuộc
giúp cho bao thế hệ trẻ hiểu biết thêm về lịch sử đánh giặc oai hùng của cha
ông ta.

Mô hình địa đạo Củ Chi.

Xác xe tăng của địch.


Không
mang dáng vẻ kỳ vĩ và hoành tráng như các kỳ quan tầm cỡ thế giới nhưng khu di
tích Củ Chi cũng thật sự vĩ đại với một quần thể các công trình được thiết kế
công phu bao gồm địa đạo Bến Đình, địa đạo Bến Dược, vùng giải phóng, đền Bến
Dược, nhà văn bia… tái hiện và trưng bày nhiều hiện vật, hình ảnh về sinh hoạt
của quân và dân Củ Chi trước, trong và sau cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Một đoạn đường hầm.


Địa
đạo bến Đình và Địa đạo bến Dược là những công trình độc đáo với hệ thống đường
hầm được đào sâu trong lòng đất bao gồm nhiều tầng, nhiều ngõ ngách như những
mạng nhện chằng chịt có tổng chiều dài lên đến hàng trăm km. Trong hầm có đầy
đủ cả nơi ăn chốn ở, nơi hội họp, nơi chỉ huy chiến đấu… và cũng được chia
thành từng phòng chức năng như hầm tư lệnh trưởng, hầm y tế, phòng ăn, giếng
nước… Độc đáo nhất vẫn là bếp ăn Hoàng Cầm, được thiết kế rất khéo léo giúp cho
khói bếp được lọc qua nhiều lớp để đến khi thoát ra bên ngoài chỉ còn là một làn
khói bay là là mặt đất khiến cho máy bay địch từ trên cao không thể nào phát
hiện ra. Được tận mắt chứng kiến và tham quan những công trình trong lòng đất,
du khách sẽ không thể không cảm thấy cảm phục và tự hào trước sự thông minh,
sáng tạo và lòng dũng cảm, kiên cường của những người con nơi “ đất thép thành
đồng” Củ Chi. Đây cũng là biểu tượng của nghệ thuật quân sự độc đáo của chiến tranh nhân dân.
Dựa vào hệ
thống đường ngầm, các công sự, chiến hào, chiến sĩ và đồng bào Củ Chi đã chiến
đấu vô cùng anh dũng, lập nên những chiến công thần kỳ, khiến cho giặc Mỹ vô cũng
khiếp nhược khi vấp phải trận địa giống như những “ ma trận” này. 

Hố chông

Bếp Hoàng Cầm

Lối đi trong rừng.


Ngoài
hệ thống các đường hầm còn có những công trình tái hiện vùng giải phóng Củ Chi.
Khu giải phóng được chia ra làm nhiều vùng như vùng giải phóng, vùng tranh
chấp, vùng trắng, vùng bị tạm chiếm (ấp chiến lược)… Tất cả đều thể hiện rất
sinh động quang cảnh làng quê Củ Chi trước chiến tranh với vườn cây trái xum
xuê, bốn mùa sai trĩu quả; cảnh sinh hoạt của người dân như cảnh phơi lúa, cảnh
vót chông, cảnh xay lúa giã gạo, cảnh trồng trọt, cảnh lớp học, cảnh họp chợ…
Bên cạnh đó là những hình ảnh tái hiện lại cảnh tượng của chiến tranh như cảnh
tàn phá của bom đạn Mỹ, mô hình ấp chiến lược mà Mỹ và tay sai áp dụng để kiểm
soát dân cư, cảnh trai gái đi tòng quân đánh giặc… Du khách cũng sẽ được tận
mắt nhìn thấy cảnh tái hiện rất sinh động những hố chông, những loại vũ khí
được quân và dân Củ Chi sáng tạo ra mặc dù vô cùng thô sơ nhưng cũng rất hiệu
quả. Hiện nay cũng còn lại rất nhiều chứng tích của chiến tranh ở nơi đây như
những hố bom B52, vỏ bom bi, xác máy bay trực thăng, xác xe tăng của Mỹ… khiến
cho người xem phần nào cảm nhận được sự khốc liệt của một thời khói lửa.

Hầm y tế.


Không chỉ tham quan khu di
tích, du khách cũng có thể tham gia tiêu khiển bắn súng ở khu vực bắn súng thể
thao và ghé chân nghỉ ngơi, thưởng thức những món ăn đặc sản của Củ Chi tại nhà
hàng Địa đạo Củ Chi được xây dựng giữa không gian thoáng mát, bên dòng sông Sài
Gòn thơ mộng.


Đến Củ Chi, du
khách đừng quên ghé thăm đền Bến Dược, ngắm nhìn cổng tam quan, nhà văn bia,
toà tháp 9 tầng và ngôi điện chính có đặt 632 tấm đá hoa cương khắc tên của
44.357 người con của tổ quốc Việt Nam đã chiến đấu và anh dũng hy sinh trên
chiến trường Sài Gòn – Chợ Lớn - Gia Định. Tầng hầm của ngôi đền còn là nơi
trưng bày hình ảnh, hiện vật, mô hình, sa bàn… thể hiện cuộc sống chiến đấu của
người dân Củ Chi. Với kiến trúc truyền thống rất đẹp, hài hòa với khung cảnh
thiên nhiên, đền Bến Dược là công trình độc đáo của khu di tích, được xây dựng lên từ
nguyện vọng tha thiết của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước, thể hiện đạo lý
“uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Một loại chông được dùng trong chiến tranh.

Những xác bom còn sót lại tới ngày nay.


Hàng chục năm trôi qua kể từ khi chiến tranh kết thúc, hôm nay người dân
Củ Chi đã được sống dưới một bầu trời hoà bình tự do, nhưng những di tích lịch
sử hùng tráng vẫn còn đó như nhắc nhở những thế hệ mai sau nhớ đến quá khứ oanh
liệt của một vùng đất, của những con người gan dạ, bền bỉ và kiên cường. Chính
vì lẽ đó mà tất cả những du khách đã từng đặt chân đến đây, dù là những chính
khách lớn trên thế giới hay chỉ là một người bình thường, cũng đều có chung một
niềm kính phục đối với mảnh đất và một dân tộc anh hùng.

Photos and written by Cafe Sua da.

Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2010

Cây cỏ mùa xuân.



Cánh đồng bạt ngày bông lau trắng muốt ở khu ĐTM Việt Hưng.



Cỏ lau còn đây mà Đinh Bộ Lĩnh nơi đâu?



Con đường hoang vắng.



Hoa dại ven đường ( hoa bươm bướm dại và hoa xấu hổ ).



Cây cơm nguội bên cửa đền Ngọc Sơn cũng đang mùa ra hoa.



Cầu Thê Húc soi mình xuống dòng nước xanh ngắt mùa xuân.



Lộc vừng Hồ Gươm đây, cây này chưa nở rộ hoa lắm.



Buồn vương, buồn vương cây lộc vừng...

Thứ Tư, 17 tháng 3, 2010

Mất đi ít ký ức!

Hôm nay buồn một chút. Mất điện thoại. Vừa quay ra quay vào đã bị móc mất lúc nào không biết. Ừ thì cũng biết em điện thoại này của mình rẻ tiền thôi nhưng mỗi khi bị mất một thứ gì đó đã gắn bó với mình khá lâu rồi, cảm giác buồn bâng khuâng trong lòng là không tránh khỏi. Thứ nhất là buồn như mất một người bạn thân. Thứ hai buồn vì mấy trăm số điện thoại lưu trong máy không cách gì lấy lại được ngay một lúc. Rồi thì sẽ có những người mất liên lạc từ đây như đã từng mất liên lạc với rất nhiều người bạn từ những lần mất điện thoại trước. Buồn thứ ba cũng hơi to lớn là mấy trăm tin nhắn của bạn bè chúc mừng vào những dịp lễ tết, sinh nhật mình không bao giờ xóa đi cũng mất hút theo em điện thoại của mình. Đó là những lời chúc mừng của những người bạn, những người yêu, những người tình, những người từng là bạn giờ không còn là bạn nữa, những người từng là người yêu bây giờ thành xa lạ... Đó có khi là một tin nhắn tán tỉnh của một người nào đó hoặc một vài câu thơ tình ai đó gửi cho từ những năm rất lâu về trước... Thế mới biết giá trị tinh thần của một thứ nhỏ bé như em điện thoại thật là to lớn mà bình thường mình không để ý đến, khi mất đi rồi mới thấy nó cũng có ý nghĩa đáng kể...

Thôi, lại đành tặc lưỡi để quên em như đã từng làm thế với các em điện thoại đã mất trước kia để làm quen với em mới nhỉ. Cũng giống như bỏ bớt một phần ký ức lại đằng sau cho đỡ nặng gói hành trang cuộc đời vốn đã quá nặng rồi!!!

Thứ Hai, 8 tháng 3, 2010

Thăm Hỏa Lò.

Nằm ngay cạnh Hà Nội Tower là Hỏa Lò, nhà tù nổi tiếng được thực dân Pháp xây dựng từ năm 1896. Đây là nơi từng giam giữ những tội phạm chính trị, những người cộng sản yêu nước chống lại chính quyền thuộc địa Pháp. Về sau, nơi đây cũng trở thành nhà tù của chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và trong trận Điện Biên Phủ trên không thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, đây cũng là nơi giam giữ các phi công Mỹ nhảy dù cho đến sau Hiệp định Paris năm 1973. Ngày nay, Hỏa Lò chỉ còn lại một góc nhỏ làm nơi tham quan cho du khách còn khu trại giam hiện chuyển xuống khu vực Xuân Phương, Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội.

Đã nói phải đến thăm di tích lịch sử Hỏa Lò nhưng rồi cứ lần nữa mãi, cuối tuần vừa rồi tôi mới đến được và ghi lại một số hình ảnh của địa danh nổi tiếng một thời nằm ngay giữa trung tâm Hà Nội này.



Nằm trên phố Hỏa Lò, một con phố nhỏ và rất bình lặng nếu không muốn nói là rất hiền hòa giữa trung tâm thành phố vô cùng sôi động và náo nhiệt.



Các phòng giam được xây rất kiên cố và được trấn giữ bởi hệ thống cửa sắt, then cài
rất chắc chắn.



Mô hình những dãy phạm nhân trong nhà giam bình thường.



Cachot là dãy phòng giam đặc biệt dùng để biệt giam những tù chính trị nguy hiểm nhất.



Trong những phòng giam bé tí và chật hẹp thế này, người tù bị cách ly với thế giới
bên ngoài một cách tuyệt đối.



Chiếc máy chém thực dân Pháp dùng để tử hình các tử tù trong trại giam. Chẳng hiểu sao con người lại có thể nghĩ ra được một thứ máy giết người khủng khiếp và ghê rợn đến thế
?



Phía sân sau là nơi tưởng niệm những liệt sĩ đã hy sinh tại nhà tù thời bấy giờ.



Cửa cống lịch sử.

Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2010

Friends

Chẳng hiểu sáng nay có chuyện gì vui mà hàng xóm nhà mình mở nhạc ầm ỹ. Chả sao vì đằng nào mình cũng dậy rồi
. Chợt nghe thấy bài " Ca dao em và tôi" có mấy câu " Cắt nửa vầng trăng, cắt nửa vầng trăng tôi làm con đò nhỏ. Chặt đôi câu thơ, bẻ đôi câu thơ tôi làm mái chèo lướt sóng..." lại nhớ tới Nhàn, cô bạn thân học cùng đại học hồi xưa rất thích bài hát này. Hai chị em học cùng lớp, ở cùng giường tầng 4 năm trong ký túc xá. Nó rất phát xít, 3 năm đầu năm nào cũng bắt mình ở tầng dưới, nó chễm chệ tầng trên, đến năm thứ 4 vì chuyển phòng trần nhà hơi thấp nó ở trên không đứng thẳng được nên nằng nặc bắt mình lên tầng 2 nó xuống tầng 1. Thích thì chiều, mình cũng dễ tính với em út mà. Rồi sau khi ra trường hai chị em vẫn thuê nhà ở chung, bao nhiêu năm nằm chung giường, chung chăn chung gối ( híc, may mà không chung người yêu). Mang tiếng là thân nhau nhưng cãi nhau như mổ bò suốt, mặc dù ở cùng nhưng một năm phải cãi  nhau và giận nhau tới nửa năm nhưng vẫn chẳng đứa nào muốn bỏ đứa nào để đến ở với người khác. Mãi sau này nó lấy chồng sau khoảng thời gian gần 10 năm sống chung thì mới tách ra ở riêng được. Nhân tiện đưa cái ảnh mới chụp hôm cúng ông Táo tết vừa rồi vợ chồng con cái nó đến ăn cơm ở nhà mình lên cái nhỉ.




Còn đây là ảnh con gái Nhàn và Nhân ( chồng nàng ), tên là Khánh Chi, biệt hiệu là Bông. Mà Bông thì nghịch và bướng vô đối luôn ( còn hơn cả mẹ, cứ nhìn mặt thì biết, he he ).




Chồng Nhàn thì lần nào mình đến chơi nhà, vợ chưa mời ở lại đã nhanh nhảu: " Hôm nay bác ngủ lại chứ nhỉ. " He he... Rất muốn mình đến chơi để có người còn uống rượu bia cùng. Đặc biệt có chồng em Nhàn với chồng bạn Vân ( bạn học cùng cấp 3) mỗi lần mình đến chơi đều rất khoái mời mình ngủ lại. Nhớ có lần đến nhà Vân bạn ấy chả nói gì mà Luyến chồng bạn ấy đã bảo: " Tối nay mày phải ở lại chứ". Ôi trời, tao mà ở lại thì khối kẻ mất ngủ, ha ha
... Nhân tiện đưa luôn ảnh Vân và con trai chụp hôm chủ nhật tuần trước bọn mình mới đi chơi bowling với nhau xong:







Cậu chàng này tên Anh Quốc, rất hiếu động và galant. Khi mẹ Vân và cô Hà ném bóng thì cậu chàng rất tích cực vác bóng đến cho từng người một và cổ vũ thì vô cùng nhiệt tình. Mặc dù quả bóng hơi nặng và cậu phải bê rất khệ nệ nhưng cậu vẫn cứ khoái được phục vụ.




Mồ hôi vã ra như tắm mà cậu chàng có vẻ khoái tỉ lắm. Tớ đang nghĩ bụng sẽ nhắm cậu chàng galant này cho con gái của tớ đấy, ka ka... Mà hình như Anh Quốc đang còn mải nghĩ tới một cô nàng cùng lớp mẫu giáo rồi hay sao ấy. Không sao, mối tình đầu thường qua nhanh thôi mà, phải không con trai?

Thứ Hai, 1 tháng 3, 2010

Mộng du...

Lâu rồi tôi mới bị mất ngủ. Có lẽ bởi ban ngày đã uống quá nhiều cafe và nước chè xanh hơn bình thường. Thật sự khó chịu khi phải trằn trọc giữa đêm khuya. Cảm giác đó lại trở lại, cảm giác sợ giấc ngủ, sợ thiếp đi và rơi vào trạng thái vô thức. Ngồi dậy và thiền, dễ chịu hơn rất nhiều. Có lẽ tôi sẽ phải thức trắng cả đêm nay...

Tự dưng tôi nhớ đến một bài báo nào đó tôi đọc từ rất nhiều năm về trước. Bài báo nói rằng có ba câu nói quan trọng nhất trong cuộc đời này và đến nay tôi vẫn còn nhớ như in. Câu thứ nhất là " Tôi sẽ đến." Khi bạn gặp khó khăn trong cuộc sống và cần có người chia sẻ, bạn gọi điện cho người bạn thân và người đó nói " Tôi sẽ đến", cảm giác đó mới dễ chịu làm sao. Khi bạn đang đi trên đường bỗng dưng xe bạn bị hỏng mà không may trong túi bạn lúc đó chẳng có đồng nào, bạn gọi điện cho người bạn cầu cứu và người đó nói " Tôi sẽ đến", nhẹ lòng biết bao nhiêu. Khi bạn bị mắc kẹt ở đâu đó giữa đêm khuya mà rủi làm sao chẳng có ai xung quanh bạn lúc đó, bạn gọi điện cho bạn trai và người đó nói " Anh sẽ đến", cảm giác đó thật ấm áp và hạnh phúc... Cảm giác có một người ở bên cùng chia sẻ những thời khắc khó khăn trong cuộc đời là cảm giác quý giá nhất.

Câu nói quan trọng thứ hai là " Chắc bạn đúng." Bạn tranh luận rất gay gắt với bạn của bạn hay với người bạn đời của bạn, cả hai không ai chịu cho rằng mình sai và người kia đúng. Bạn biết đấy, cái tôi của một con người quá lớn, lớn đến mức dù biết mình sai cũng chẳng bao giờ chịu thừa nhận rằng mình sai, nhất là giữa một cuộc chiến nảy lửa đến nhường ấy. Mặc dù những cuộc tranh luận như vậy thường cũng chẳng đi đến đâu và chẳng giải quyết được vấn đề gì nhưng ai cũng muốn lý lẽ của mình được người kia thừa nhận và tôi đoán là trong đời ai cũng từng trải qua vô số những cuộc tranh luận vô bổ như vậy. Cho nên, câu nói " Chắc bạn đúng" sẽ là một liều thuốc thần kỳ giúp dừng những cuộc tranh luận và hòa bình sẽ được lập lại. Nếu bạn nói ra câu đó có nghĩa là bạn đã thừa nhận rằng bạn bạn hay người bạn đời của bạn đúng và người ta chẳng có lý do gì để tiếp tục cuộc tranh luận này nữa... Nói thì dễ nhưng trong thực tế mấy ai từ bỏ được lý lẽ của mình để theo lý lẽ của người khác cơ chứ??? Nếu bạn làm được điều đó vài lần thì chắc là từ giờ về sau có lẽ bạn sẽ trở thành con người dễ thương đến mức thậm chí bạn chẳng bao giờ mất thời gian tranh cãi vô bổ về những chuyện nhỏ nhặt hàng ngày với ai nữa.

Câu nói quan trọng thứ ba là " Phật tại tâm". Ngày nhỏ, tôi không hiểu tại sao câu nói này lại là câu nói quan trọng và đến bây giờ tôi vẫn còn mơ hồ và hoài nghi. Có lẽ chính vì chưa hiểu nên giờ này tôi vẫn cứ loay hoay giữa những giá trị của cuộc sống, bởi lẽ nếu tôi giác ngộ được thì biết đâu tôi cũng đã thành Phật được rồi 
. " Phật tại tâm " phải chăng đâu phải cứ đi chùa cầu nguyện hay hương khói nghi ngút mà thành phật, phật là tự trong tâm. Nhưng tâm là gì, tâm có phải là chính ta? Phật dạy rằng, điều cốt yếu làm sao phải giữ cho được cái tâm hay chính con người ta trong sáng, an nhiên và tĩnh lặng, không dễ dao động trước mọi biến thiên của cuộc đời... Thiền là một phương pháp giúp ổn định cái tâm nhưng cái tâm của tôi dường như vẫn chưa muốn thoát khỏi những suy nghĩ miên man cho nên tôi mãi chưa đạt được trạng thái hư vô ấy.

Và chính vì cái tâm không tĩnh nên đêm nay tôi mới phải thức dậy giữa đêm khuya và ngồi viết những dòng này
...