Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

Không thể thành người

Hồi nhỏ tôi rất thích đọc Azit Nexin, nhà văn châm biếm của Thổ Nhĩ Kỳ nổi tiếng một thời. Trong số các truyện của ông tôi nhớ một truyện có tiêu đề "Không thể thành người" mà tôi rất thích. Hồi đi học bọn tôi cũng hay trêu nhau nói câu đó mỗi khi gặp chuyện gì đó hoặc gặp ai đó khiến mình không hài lòng. Mặc dù tôi là người ít khi không hài lòng với cuộc sống nhưng cũng có một số chuyện diễn ra hàng ngày khiến tôi không thể hài lòng. Các bạn cứ đọc những chuyện sau đây sẽ rõ.

Câu chuyện thứ nhất

Một buổi sáng nào đó chưa lâu lắm, tôi bước vào một hiệu thuốc trên phố Hàng Gai. Hiệu thuốc này lớn, của nhà nước lại nằm ngay góc ngã tư nên rất thuận lợi mua bán. Cuộc trao đổi giữa tôi với hai chị bán hàng diễn ra như sau:

- Chi ơi, chị có thuốc... không?
- Có đấy, đây này. (đưa ra một lọ thuốc)
- Chị còn loại nào nữa không?
- Không, cùng thuốc đó còn loại đóng vỉ nữa thôi.
- (Sau một hồi săm soi xem xét ) Sao loại đóng vỉ này lại đắt hơn loại đóng lọ hả chị?
Đến đây thì:
- Em đừng hỏi bọn chị tại sao, bọn chị không biết đâu. Blah blah blah... Đây là cửa hàng của nhà nước chỉ có thế thôi.
- Tại sao cửa hàng nhà nước lại chỉ có thế thôi? Nếu em mua ở cửa hàng tư nhân họ sẽ nói cho em biết ngay tại sao cùng một loại thuốc mà cái này lại rẻ hơn cái kia.
- (Khó chịu) Đây đã là cửa hàng của nhà nước rồi có nghĩa mua là yên tâm rồi còn cứ hỏi mãi. Blah blah blah...

Thật sự lúc đó trong đầu tôi hiện ngay ra hình ảnh nét mặt tươi cười của một cô bán thuốc ở một hiệu thuốc tư nhân nào đó mà tôi thường tiện đường ghé vào mua, không chỉ một cửa hàng và không chỉ là một người. Tôi tưởng tượng ra cô ấy nói với tôi thế này: "À, thuốc đóng vỉ đắt hơn là vì người ta phải bỏ chi phí đóng thành vỉ, nó sẽ để được lâu hơn trong trường hợp khách hàng không uống liên tục. Còn thuốc đóng lọ là dành cho người dùng nhiều liên tục sẽ rẻ hơn.chị ạ." Đấy, chỉ có một hai câu nói đó thôi mà sao thấy khó khăn với nhân viên "cửa hàng nhà nước" đến thế. Tôi chẳng biết chị ta có ý gì khi nói câu "mua của nhà nước là yên tâm rồi" mà chỉ "yên tâm" một điều là đã trót bước chân vào cửa hàng của nhà nước sẽ bị mắng bất cứ lúc nào cũng như chẳng bao giờ dám tơ tưởng tới suy nghĩ "khách hàng là thượng đế", và cũng cần chuẩn bị sẵn tâm thế người ta không cần bán hàng và mình vì thế sẽ không mua được hàng (vì bực mình bỏ đi chẳng hạn).

Tuy nhiên, hôm đó tôi vẫn mua một lọ thuốc, vì tôi đang vội nên cũng chẳng có thời gian tìm một cửa hiệu khác nữa. Lúc đó tôi nghĩ cửa hàng này chưa bị đóng cửa chắc là vì còn có những người khách dễ tính như tôi, dù bực mình nhưng cũng chặc lưỡi mua đại. Nhưng thực ra đối với tôi đó không phải là lần đầu tiên, trước đó tôi đã mua ở hiệu thuốc này một lần rồi và đã không hài lòng về thái độ bán hàng nhưng vì không nhớ lý do nên lần này tiện đường tôi lại ghé vào. Nhưng quả thật sau lần này tôi đã tự hứa với lòng mình không bao giờ quay lại cửa hàng đó một lần nào nữa hết. Nếu cứ dung túng cho thói xấu thì sẽ không bao giờ có sự thay đổi được. Tôi kể chuyện này cho bạn tôi nghe, không ngờ bạn tôi nói cũng ghét cửa hàng đó và từ lâu không mua thuốc ở đấy nữa rồi


Đây không phải là một ngoại lệ và tôi có rất nhiều kỷ niệm mỗi khi mua hàng hay sử dụng dịch vụ của "nhà nước". Nếu như một ngày xấu trời nào đó chẳng may bước vào một nhà hàng hay phải dùng dịch vụ của "nhà nước", thể nào tôi cũng có cơ hội tự rủa thầm mình vì đã chọn nhầm chỗ. Nhưng ai bảo các "cửa hàng nhà nước" thường hay nằm ở những vị trí đẹp, đắc địa để khiến cho nhiều người vào nhầm chứ đâu phải mình tôi. Thực ra thì tôi đâu có ấn tượng gì xấu với cửa hàng hay dịch vụ của "nhà nước" đâu, tôi lúc nào cũng muốn ủng hộ nhà nước, mua hàng của nhà nước, dùng dịch vụ của nhà nước... Chỉ có điều có một số "người nhà nước" thì không tài nào mê nổi. Hay vì cả đời tôi chưa bao giờ được làm "người nhà nước", làm công nhân viên chức ăn lương nhà nước nên tôi không thể hiểu nổi tầm quan trọng của họ? Bởi vì dù bán được nhiều hay ít hàng hay thậm chí không bán được thì hàng tháng họ vẫn được lĩnh lương đều, cửa hàng thì không phải đi thuê hoặc tiền thuê thì cũng của nhà nước nốt. Nếu họ làm ăn không tốt thì cùng lắm là cửa hàng đó bị đóng cửa hay giải thể và họ được chuyển sang bộ phận khác chứ cũng ít khi sợ bị cho về vườn lắm lắm... Điều này khác một trời một vực với việc một người tư nhân tự bỏ tiền ra lo từ A đến Z cho cửa hàng của mình, nên dễ hiểu là khi có khách vào hỏi thì họ phải niềm nở và sẵn sàng trả lời những câu hỏi của khách để chỉ mong sao khách hàng đừng chạy sang cửa hàng bên cạnh. Trong khi đó, tâm lý của "người bán hàng nhà nước" thường được chăng hay chớ, mua thì mua không mua cũng chẳng ảnh hưởng gì đến ai. 

Mùa hè tôi hay đi bơi ở bể bơi trong khách sạn Thắng Lợi. Khách sạn này có một khuôn viên lớn nằm ngay cạnh hồ Tây và trong lúc bơi có thể nhìn ra một khoảng hồ Tây rất đẹp. Nói không ngoa thì vị trí của khách sạn này vào hạng gần như đẹp nhất trong số các khách sạn ở Hà Nội. Vậy mà ngoại trừ vị trí thuận lợi ra thì chẳng có gì nổi bật hết, phòng ốc thì cũ kỹ, dịch vụ thì nghèo nàn và thờ ơ. Ngay như bể bơi, ngoại trừ view đẹp ra thì các dịch vụ khác như tắm tráng hay phòng ốc để thay đồ phải gọi là tệ hại. Chính vì vậy mà mặc dù bể bơi nhỏ tí nhưng cũng không quá đông đúc vào mùa hè, vào lúc chớm thu thì hầu như chẳng có ai
. Cách đây vài năm sau khi bơi xong ra lấy xe đi về, tôi còn được mấy người trông xe kể cho nghe là nhân viên đang đình công vì mấy tháng rồi không được trả lương và rồi nhân viên bị đối xử tệ hại ra sao... Nghe xong chỉ biết thở dài, nghĩ bụng "khách sạn của nhà nước mà". Vị trí thì đẹp thế mà sao chẳng bao giờ có tên tuổi gì so với một số khách sạn khác của tư nhân. 

Nhà hàng Hapro Bốn Mùa nằm trên đường Lê Thái Tổ ngay cạnh hồ Gươm là một nhà hàng nằm trong chuỗi cửa hàng của Hapro (không phải ki ốt cafe Hapro ngay sát mép nước hồ Gươm đâu mà nằm đối diện qua đường với cái đó). Cửa hàng này nằm trên tầng 6 (tôi không nhớ chính xác lắm) và nhìn thẳng ra chiếc đồng hồ trên Bưu điện Hà Nội. Tôi đến đó vài lần chỉ vì từ đó có thể nhìn ra được cái đồng hồ và nhìn toàn cảnh hồ Gươm với một góc độ khác. Theo tôi biết thì đó là một công ty của nhà nước hoạt động với phương thức công ty mẹ-con. Tuy nhiên điều tôi muốn nói đến là mấy lần tôi tới để ăn sáng nhưng cửa hàng đó đều rất vắng khách, đồ đạc bàn ghế thì cũ kỹ và có lần tôi bị cô phục vụ ở đó lườm cho một phát suýt cháy mặt vì trót phàn nàn rằng nước phở ở đó hơi nguội (trong thực tế thì quá nguội). Không những thế, đĩa nhạc mà họ hay mở ở đó dường như cũng chỉ có một đĩa lặp đi lặp lại và đã quá cũ kỹ như từ thời thập kỷ 90 của thế kỷ trước vậy. Lần nào đến đây tôi cũng lẩm bẩm chẳng hiểu họ làm ăn gì với cái vị trí đẹp trời cho (mà thực ra là của ai đó cho) này cơ chứ.

Câu chuyện thứ hai

Con đường đê Ngọc Thụy bên kia cầu Chương Dương từ lâu đã bị xuống cấp, gồ ghề lồi lõm, chính vì vậy mà hồi 1000 năm Thăng Long - Hà Nội năm ngoái đã được tu bổ, sửa chữa. Đường đang xấu mà được sửa lại thì mừng quá chứ, còn phàn nàn cái nỗi gì nữa? Nhưng họ sửa thế nào mới là điều đáng nói. Họ làm mới hoàn toàn một đoạn ngắn, rồi bỏ bẵng đó vài tháng. Trước tết nguyên đán, họ làm tiếp một khúc nữa rồi lại để đấy. Sau tết nguyên đán, họ sửa nốt khúc cuối. Ừ thì thôi, không có nhiều tiền thì làm theo kiểu du kích vậy cũng được, khoảng chưa đầy 2 km đường nhưng làm trong 6 tháng cũng chẳng sao. Nhưng đó cũng chẳng phải là điều tôi thấy phiền muộn nhất. Điều phiền muộn nhất của tôi là từ sau lần sửa chữa đầu tiên, những đống đất đá trộn cát, nhựa đường cũ được cào xới lên để làm đường mới được vứt chỏng chơ trên vỉa hè. Rồi sau đó cứ để đấy hàng tháng trời mặc mưa gió bão bùng ngày này qua tháng khác. Rồi những lần sửa chữa tiếp theo, những đống đất cát, nhựa đường đó không những được xúc đi mà lại được làm dày thêm theo năm tháng, kể cả ngay trước tết là khoảng thời gian đáng ra nếu không có đường mới thì cũng nên được dọn sạch sẽ thì chúng vẫn nằm đó "trơ gan cùng tuế nguyệt". Mãi đến sau khi sửa lần cuối cùng tới vài tuần, tôi mới thấy mấy đống đất đá đó được chuyển đi, mà đâu có sạch sẽ gọn gàng gì, chúng được hót đi một cách cẩu thả, vẫn để vương vãi đến tận bây giờ... 

Đây cũng chỉ là một câu chuyện điển hình của biết bao nhiêu câu chuyện tương tự diễn ra hàng ngày hàng giờ ở Hà Nội. Có thể mọi người sẽ tặc lưỡi cho qua giống như nhiều người tôi biết vì đó là chuyện chẳng liên quan thiết thân tới mình. Với người dân thì nhà nước làm đường cho đi là tốt rồi, còn phàn nàn gì nữa, đầy nơi đường còn xấu ổ voi ổ gà kia kìa có sao đâu... Ừ, tôi chẳng phàn nàn gì, chỉ nghĩ rằng có lẽ đó là bản chất của con người ở những nước chưa giàu (tôi không dùng từ nghèo vì nước mình đâu còn nằm trong diện những nước nghèo nữa chứ). Bản chất đó là thường làm việc gì cũng không hoàn thành tới nơi tới chốn. Ví dụ như việc làm đường nói tới ở trên, khó khăn gì đâu mỗi khi làm xong khúc nào thì cố gắng hoàn thiện và làm sạch luôn khúc đó, cũng chỉ một chuyến xe thôi mà, lúc chở đá, cát đến để làm đường thì sao không xúc luôn phế thải lên đó để đem đi đổ, vừa tiết kiệm thời gian, tiền bạc mà lại sạch phố phường? Thế mới nói cái bản chất khiến cho nhiều người, bao gồm cả người làm con đường đó và những người qua lại cũng chẳng lấy làm gai mắt khi nhìn đống phế thải đó hàng ngày, coi chuyện đó là bình thường. Và chuyện làm xong nhưng chỉ là cho xong và còn lâu mới được gọi chữ hoàn thiện thì có vẻ quá xa lạ với nhiều người, nhiều ngành nghề trong xã hội. 

Đôi khi tôi cứ lẩn thẩn tự hỏi, thay vì chê bai ai/cái gì hay so sánh với bên ngoài thì mỗi người tự nhìn nhận lại bản thân mình và tự cố gắng hoàn thành tới cùng công việc của mình đi thì có lẽ xã hội sẽ tốt hơn rất nhiều. Cũng chẳng khó khăn lắm hoặc vượt quá công sức và thời gian nếu như chỉ để cố gắng hoàn thiện công việc mà mình đã bắt tay vào từ đầu đâu. Sẽ đơn giản nếu như đó chỉ là sở thích riêng của bạn và chẳng có hại đến ai như xem một bộ phim nếu không thích bạn chẳng cần xem đến kết thúc làm gì. Nhưng nếu công việc đó có ảnh hưởng đến người khác và nhất lại là công việc nghề nghiệp của bạn thì chữ hoàn thành là rất quan trọng. Chẳng ai viết báo cáo lại viết nửa chừng rồi bỏ đó. Không ai đánh giá cao người bắt tay vào làm việc thì rất tốt nhưng không bao giờ kết thúc công việc đó, nghĩa là chẳng bao giờ mang lại thành quả gì. 

Cô hàng xóm của tôi khéo tay lắm, cô ấy thích học làm hoa bằng vải lụa và học làm cho bằng được. Những ngày đầu tôi thấy cô miệt mài làm từ sáng tới tối và cô cũng làm cho tôi được một lọ hoa nho nhỏ, trong nhà cô hoa lụa bày khắp nơi, nhưng thường là những cành hoa đơn lẻ và đơn giản. Có lần mẹ tôi lên chơi một tuần, mẹ sang nhà cô hàng xóm và cũng học làm hoa lụa. Khoảng mấy tháng sau về thăm nhà, tôi ngạc nhiên khi thấy trong nhà mình rất nhiều những cây hoa đào, mai, lan các loại đã được đặt ngay ngắn trong chậu trông như một chậu cây to thực sự với đầu đủ cành lá hoa, gốc cây, cỏ giả... Mẹ tự hào nói nhiều người đến chơi cứ đòi mua mà mẹ không bán chỉ thích để chơi thôi, có nhiều người còn đặt hàng sản phẩm của mẹ nữa nếu có thời gian thì làm... Đấy chỉ là một sở thích tiêu khiển qua ngày thôi nhưng được ngắm nhìn một sản phẩm hoàn thiện vẫn thú vị hơn là những mảnh riêng lẻ chắp vá không đâu vào đâu cả. 

Thực ra tôi cũng chẳng nằm ngoài số đông những người có tính cả thèm chóng chán trên đời này và cũng không thích hoàn thiện những việc mà mình ghét. Tuy nhiên, càng nhìn lại bản thân và những người xung quanh tôi lại càng muốn thay đổi, không phải là một cuộc cách mạng thì cũng là một thay đổi dần dần từng chút một. Cho nên mới có những lần tôi cố thức đến 2-3h sáng chỉ để dịch cho xong một bản dịch cho khách hàng mặc dù đã quá buồn ngủ và chán ngán. Cho nên tôi bớt tặc lưỡi cho qua những gì mình có thể làm tốt hơn. Cho nên mỗi lần muốn đi tắt hoặc làm tắt cái gì tôi lại phải suy nghĩ lại. Vì mỗi lần tôi vội vàng muốn làm cho xong hoặc cẩu thả thì lại mỗi lần tôi phải trả giá bằng chính một điều rủi ro nào đó cho bản thân hay cho người khác. Cho nên dù khi tôi bắt tay vào viết entry này và thấy rằng nó quá dài và viết quá lâu thì tôi cũng cố viết cho xong mới yên tâm đi ngủ được
. Chẳng phải vì entry này là quan trọng mà chỉ để tôi không tự trách mình có cái entry nhỏ mà cũng không viết cho xong. Để ít nhất nếu không thể thành người thì tôi cũng biết được lý do là tại sao

Thích Chandler

Hey, lâu lắm rồi mới rất thích một nhân vật trên truyền hình, lần này là anh chàng Chandler vui tính trong series show truyền hình "Friends" của Mỹ từ 1994-2004. Show này có 10 mùa chia thành 20 đĩa, xem đến mùa thứ 5-6 rồi mới tự dưng thấy rất thích nhân vật đó. Mặc dù thích cả 6 người bạn (3 nam, 3 nữ) trong show diễn nổi tiếng này vị họ rất thông minh, thú vị và vui vẻ cùng những tình huống hài cười đến vỡ bụng nhưng nếu nói về thích một người đàn ông như nào thì tôi thích anh chàng Chandler. Chẳng có lý do gì rõ rệt, khôn ngoan, hài hước, hay trêu chọc mọi người, hay nói chuyện cười, quan tâm tới người khác, yêu thương, chia sẻ, tình cảm, không thích cam kết một mối quan hệ lâu dài... Hai nhân vật nam chính khác là Ross và Joey cũng có những tính cách thú vị mà tôi rất thích nhưng có lẽ tôi thích Chandler hơn cả. Khi tìm hiểu về Matthew Perry, người đóng vai Chandler thì tôi biết một lý do tại sao tôi thích anh chàng đó, vì anh ấy thuộc cung Sư tử, lại đúng vào ngày sinh nhật của bố tôi
. Thật ngẫu nhiên và xác suất cao vì mỗi khi tôi thích tính cách một người đàn ông nào thì y như rằng đến khi xem ngày sinh hầu hết trong số họ thuộc về cung Sư tử. Một mối dây liên hệ tình cảm không lý giải nổi. Tại sao mình thích người này mà không thích người khác, tại sao có người vừa gặp đã có tình cảm mà có người ở bên cạnh rất lâu cũng không bao giờ có cảm tình nổi?


Nói vui vậy thôi, không phải quảng cáo cho người bán đĩa đâu nhưng nếu ai muốn luyện khẩu ngữ tiếng Anh tốt thì nên xem bộ đĩa này vì nó phản ánh chân thực cuộc sống hàng ngày của người Mỹ cũng như những tình huống xảy ra trong cuộc sống. Hơn nữa nó lại rất vui nên nếu xem một tiểu phẩm rồi sẽ muốn xem phần tiếp theo, cứ thế và cứ thế chứ không quá dài hay khó như xem những bộ phim khác.

Thứ Năm, 3 tháng 3, 2011

Ai khiến xui ta

Cô bạn tôi, ngoài ba mươi, độc thân (mà không vui tính.) Không vui tính là vì cô ấy không thấy đời vui. Không thấy đời vui là vì lúc nào cô ấy cũng thấy đời đáng chán. Thấy đời đáng chán là vì cô ấy cho rằng chẳng có ai trên đời này hiểu được cô ấy.
. Cô ấy với tôi, cũng được coi là thân vì chơi với nhau gần hai mươi năm rồi. Hồi còn mười tám đôi mươi, cô ấy đã có nỗi buồn như thế, gặp mặt nhau ở đâu là kêu chán đời ở đó, rồi tự thán rằng không có ai hiểu mình. Tôi thường an ủi cô ấy thế này thế khác, cũng chỉ đến vậy mà thôi. Buồn từ trong tâm người khác làm sao tác động vào được. Đành rằng cuộc sống của cô ấy cũng có những nỗi buồn và khó khăn, lý do của những sầu thảm trong cô (nhưng có ai mà chẳng có lúc buồn hay khó khăn cơ chứ), nhưng tôi tự cảm thấy mình không đủ sức chia sẻ với nỗi buồn to lớn ấy. Vì thế mà tôi xa cô dần dần, tôi biết dù mình có ra sức an ủi đến thế nào đi chăng nữa thì cũng không thể khiến cô ấy vui lên được nếu như cô ấy không tự tìm niềm vui cho mình. Mười mấy năm rồi, mỗi lần gặp lại hay nói chuyện trên mạng, tôi lại gặp những nỗi buồn xưa cũ. Vẫn những trăn trở rằng sao không có ai hiểu ta, không có ai tri kỷ với ta trong cuộc đời? Trời ơi, nỗi buồn ấy ở tuổi hai mươi thì có thể hiểu được bởi vì tuổi hai mươi là tuổi mới bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, người trẻ tuổi thấy choáng ngợp trước cuộc đời và chưa định hình cho mình một con đường sống, một hướng đi cho tương lai nên thường có cảm giác bất an, muốn được dựa dẫm vào ai đó... Nhưng khi đã ngoài ba mươi, nếu như không may mắn gặp được một người tri kỷ thì lúc đó chắc cũng phải có bản lĩnh để chống chọi với cuộc đời, để mà chấp nhận và sống vui với cuộc đời. Bởi nói đi thì phải nói lại là kể cả những người có gia đình kia chắc gì họ đã tìm được một người hiểu họ, chia sẻ được với họ niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống. Vậy thì dù có độc thân hay không thì điều quan trọng vẫn là tạo lập được bản lĩnh trong cuộc sống của chính mình, chấp nhận được việc niềm vui của mình là tự trong bản thân của mình mà ra chứ không phải do người khác đưa lại. 
Cô bán hàng rau ngoài chợ gần nhà tôi, xinh xắn, vui vẻ, xởi lởi và giá cả thường rẻ hơn người khác nên bán rất đắt hàng. Tôi mến cô ấy nên luôn mua rau của cô và thường mua rất nhiều dù nhiều lần bỏ quên trong tủ lạnh không ăn rồi cuối cùng lại phải bỏ đi. Có lần tôi hỏi em lấy rau ở đâu, có phải ở chợ Long Biên không? Cô ấy bảo rau nhà em trồng và em lấy của những nhà hàng xóm, em có biết cái chợ Long Biên đó ở đâu đâu, cả cái cầu Long Biên ấy em có nhìn thấy rồi mà chưa bao giờ đi qua. Trời đất, nhà cô ấy ở Đông Anh cũng thuộc Hà Nội và nơi cô ngồi bán rau hàng ngày rất đều đặn, ngày nắng cũng như ngày mưa, ngày hè nắng nôi cũng như mùa đông lạnh giá chỉ cách chân cầu Long Biên chưa tới 4km. Cô ấy chỉ kém tôi vài tuổi thôi, tôi hỏi thế em không bao giờ sang bên Hà Nội à, cô ấy bảo không. Tôi kêu sao đời mày khổ thế em ơi. Là cũng buột miệng ra thế thôi chứ chắc gì cô ấy đã thấy cô ấy khổ. Cuộc sống của người nông dân suốt ngày vui với ruộng vườn, con cái, một niềm vui đơn giản đến tối giản. Và vì xung quanh họ ai cũng thế, họ không biết đến sách báo, không biết đến internet và có lẽ cũng ít có thời gian xem ti vi nữa nên họ thấy điều đó là bình thường và họ không biết cuộc sống của họ thiệt thòi đến thế nào. Vì không biết nên cuộc sống của họ chỉ cần ăn đủ no, mặc đủ ấm, cây cối tươi tốt được mùa, hàng ngày bán được hàng, con cái ngoan ngoãn, chồng con chăm chỉ làm ăn, không đánh đập hay rượu chè bét nhè suốt ngày là họ cảm thấy hạnh phúc rồi, cái hạnh phúc giản dị và đạm bạc. Và vì họ không biết nên họ không có nhu cầu đi du lịch hay đi đây đi đó cho mở mang đầu óc, dù chỉ là bước chân qua một cây cầu. Âu cũng là số phận của từng người, nhưng có lẽ họ hạnh phúc vì biết chấp nhận và hài lòng với cuộc sống của mình.
Kể ra đây chắc mọi người nghĩ cuộc sống của cô bạn tôi buồn thảm lắm. Thực ra không phải vậy, cô ấy có công việc tạm được, thu nhập chắc cũng không đến nỗi nào. Cô ấy lại thường xuyên đi du lịch, Bắc Trung Nam đủ cả và hầu như năm nào cũng đi du lịch nước ngoài nữa. Không phải so sánh bởi bất cứ sự so sánh nào cũng đều khập khiễng nhưng quả thật tôi có thấy sự khác nhau giữa một gương mặt luôn tươi cười của cô bán rau gần nhà tôi với gương mặt ngày càng héo hắt đi vì nỗi buồn của cô bạn tôi. Mà cái nỗi buồn ấy mới trừu tượng làm sao, mới mơ hồ làm sao. Buồn vì không hài lòng với cuộc sống của mình và vì không có ai hiểu nổi mình. Tôi chẳng dám khuyên cô ấy vì hơn gì nhau mà khuyên nhưng có lần tôi bảo sao không tìm cách hiểu người ta đi trước khi than rằng người ta không hiểu mình. Nhưng cô ấy bảo người ta không quan tâm tới mình thì thôi tại sao mình phải quan tâm tới người ta. Ôi thôi, bó tay toàn tập rồi, tôi chẳng dám ho he gì nữa. Tôi thấy mình may mắn vì tìm được người cùng sở thích với tôi, cùng suy nghĩ và chính kiến với tôi, có thể chia sẻ với tôi niềm vui nỗi muộn phiền trong cuộc sống. Hay vì như thế mà tôi không thể hiểu nổi tâm trạng trống trải của cô bạn tôi? 
Nhưng nhìn lại cuộc sống của mình không phải lúc nào tôi cũng có người ở bên và những lúc đó cũng chính là khoảng thời gian tôi mài giũa cho mình một bản lĩnh sống mạnh mẽ, tự dựa vào chính bản thân mình, kể cả về mặt tinh thần. Điều quan trọng là tôi luôn yêu thích và không ngại kết thêm những người bạn mới, dù không phải người bạn nào cũng là tri kỷ nhưng điều đó có quan trọng gì. Giảm thấp yêu cầu thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Không kỳ vọng thì sẽ không thất vọng. Đời người ngắn ngủi lắm và dù thành công hay chưa thành công thì điều quan trọng nhất vẫn là sống hạnh phúc, sao không lựa chọn những gì phù hợp với mình nhất để có thể hạnh phúc. Bởi dù bạn có đạt tới đỉnh cao quyền lực hay tột bậc giàu có thì cùng lắm cũng chỉ sống được trăm năm mà thôi. Trăm năm trong chuỗi hàng tỷ năm tồn tại của vũ trụ trước khi có bạn và cả sau khi bạn chết đi rồi. Khi bạn chết đi rồi thì còn ai nhớ đến bạn nữa? Mà dù họ có nhớ thì lúc đó hỏi còn ý nghĩa gì với bạn không? Hay chỉ là cái danh hão huyền? Được lưu danh hậu thế kể cũng vinh dự đấy nhưng hỏi trên đời này được mấy người. Vậy thì hãy loại bỏ bớt những phù phiếm đi để mà sống thực chất hơn, loại bỏ những hình thức màu mè đi để mà sống với đúng bản chất của mình. Và đừng có than phiền rằng không có ai hiểu mình nữa mà hãy tìm cách hiểu bản thân mình trước đã. Bởi tôi chắc rằng những người than vãn không có ai hiểu mình chính là những người không hiểu được bản thân họ. Nếu tự bạn không hiểu bản thân bạn thì làm sao có ai hiểu nổi bạn chứ? Cho nên kêu than cũng chỉ là để kêu than đấy thôi, nếu như không tìm cách hiểu được bản thân mình thì dù hai mươi hay bảy mươi tuổi thì nỗi buồn ấy vẫn sẽ to lớn giống y chang nhau mà thôi. Và đi cùng với nó sẽ là nỗi tiếc nuối. Tiếc nuối những gì đã qua mà không bao giờ lấy lại được nữa...

Thứ Ba, 1 tháng 3, 2011

Paper Moon



Bạn có biết người trẻ tuổi nhất trong lịch sử giải Oscar giành được tượng vàng cao quý này là ai không? Đó là Tatum O'Neal, cô đã đạt giải thưởng dành cho Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất trong phim "Paper Moon" (Trăng giấy) vào năm 1974 khi mới tròn 10 tuổi (không tính tượng vàng Oscar được đúc riêng tặng cho cô bé thiên thần Sirley Temple vào năm 1934 khi cô mới 6 tuổi. Tôi rất yêu thích cô bé này và sẽ có một bài viết riêng về cô sau 
.)

Mặc dù đã xem đi xem lại bộ phim Paper Moon nhiều lần nhưng diễn xuất của Tatum O'Neal luôn đem đến cảm giác ngạc nhiên xen lẫn thán phục trong tôi. Dường như cô sinh ra để đóng phim và tài năng của cô là không thể bàn cãi (mặc dù thật tiếc đó là bộ phim duy nhất để lại tiếng vang cho cô và có lẽ sự thành công quá sớm đã phá hỏng cuộc đời sau này của cô.)

Bộ phim nói về anh chàng chuyên lừa đảo Moses Pray (do Ryan O'Neal, cha ruột ngoài đời của Tatum O'Neal, cũng là ngôi sao trong phim Love Story, thủ vai) và cô bé Addie Loggins, con gái của một gái điếm. Mở đầu bộ phim là cảnh đám tang mẹ cô bé Addie, anh chàng Moses cùng chiếc xe cà khổ trên đường đi ngang đã ghé qua bởi lúc mẹ cô bé còn sống họ từng có quan hệ với nhau. Cô bé Addie lúc này bơ vơ trên đời vì chẳng ai biết cha cô là ai và cô cũng chẳng có họ hàng thân thiết nào ở gần nên những người hàng xóm nhờ Moses đưa cô đến nhà bà dì ở xa. Cô bé khăng khăng Moses là cha của cô nhưng anh ta không thừa nhận. Trên đường đi, Moses gặp và thuyết phục được anh trai của người đàn ông đã lái chiếc xe đâm vào cây và gây ra cái chết cho mẹ của Addie đưa cho anh ta hai trăm đô la để đưa cho Addie. Nghe lỏm được câu chuyện giữa hai người, cô bé đòi Moses trả mình số tiền đó. Tuy nhiên, Moses đã dành gần một nửa số tiền để sửa xe nên anh ta đành phải đồng ý đi cùng với Addie và kiếm tiền cho đến khi kiếm đủ 200 đô la để trả cho cô.

Trên con đường đồng hành, Addie nhanh chóng phát hiện ra cách Moses kiếm tiền. Anh ta đọc mục Tin buồn trên báo để tìm địa chỉ những người phụ nữ vừa mất chồng, đến gõ cửa nhà họ và giả vờ là chồng bà ta đã đặt mua cuốn Kinh thánh để tặng cho người vợ yêu. Những bà quả phụ đáng thương thường sẵn sàng trả tiền cho cuốn sách được in tên mình trên đó. Addie sau đó nhập cuộc vào trò lừa đảo, giả vờ là con gái của Moses và cũng nhanh chóng thể hiện tài năng bẩm sinh của mình trong những trò bịp bợm khác. Họ trở thành một đội rất ăn ý và kiếm được khá nhiều tiền. Dần dần họ cũng quên mất việc phải đưa Addie đến nhà bà dì.

Một lần, Moses cho một vũ nữ thoát y là Miss Trixie Delight cùng cô hầu người châu Phi của mình quá giang. Addie kết bạn với cô hầu đó nhưng việc Moses càng ngày càng tập trung chú ý đến Miss Trixie mà quên mất việc kiếm tiền khiến cô bé ghen tức, nhất là khi anh ta đã tiêu một số tiền lớn vào việc mua chiếc xe hơi mới nhằm gây ấn tượng với Trixie thì Addie càng quyết tâm tìm cách rũ bỏ người phụ nữ này. Khi họ đến một khách sạn, cô đã lôi kéo được cô hầu vào âm mưu của mình và hứa sẽ cho cô hầu một số tiền để trở về với gia đình. Cô bé sắp đặt việc Trixie ngủ với nhân viên tiếp tân của khách sạn và để Moses là người bắt quả tang vụ việc. Quá tức giận, Moses đã cùng cô bé bỏ đi, trở lại con đường thiên lý của mình.

Tại một khách sạn ở vùng Kansas, Moses và Addie phát hiện ra kho chứa rượu của một người bán rượu lậu. Họ đã ăn trộm được một số rượu lớn và bán lại cho chính người bán rượu lậu đó. Không may thay, anh trai của kẻ bán rượu lậu đó lại là cảnh sát trưởng trong vùng nên họ mau chóng bị bắt. Cô bé Addie nhanh trí đã giấu được số tiền và đánh cắp lại được chìa khóa ô tô, họ chạy trốn đến vùng Missouri, nơi luật pháp của Kansas không thể động tới họ được. Tuy nhiên, sau đó viên cảnh sát trưởng kia đã tìm ra họ và mặc dù không có quyền bắt giữ họ nhưng ông ta đã đánh cho Moses một trận tơi bời và cướp đi toàn bộ số tiền họ đang có. Khi tìm thấy Moses đang nằm lê lết tại một góc phố, Addie cố thuyết phục anh ta rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp trở lại thôi và họ sẽ làm lại từ đầu và sẽ kiếm được rất nhiều tiền nhưng Moses quyết định sẽ đưa Addie đến nhà người dì.

Khi đến nhà người dì, Addie cảm thấy cô đơn lạc lõng nên đã quay trở lại con đường, nơi Moses đang ngồi lặng lẽ trong chiếc ô tô và ngắm tấm ảnh cô bé ngồi trên mảnh trăng giấy mà cô bé đã tặng lại cho anh ta trước khi xuống xe. Nhìn thấy cô bé, Moses nói anh không cần cô  nữa nhưng Addie nói rằng anh vẫn còn nợ cô 200 đô la. Moses bực tức ném chiếc mũ đang đội trên đầu xuống đất nhưng chẳng còn cách nào khác là phải cho cô bé đi cùng. Và thế là họ lại cùng nhau tiếp tục hành trình...

Addie trong phim là một cô bé có vẻ mặt xinh xắn nhưng lì lợm, giống con trai nhiều hơn và biết hút thuốc lá từ rất sớm.  Cô bé cũng rất đáo để và thông minh, nhanh trí khiến cho anh chàng Moses cũng phải nể và để cô bé quản lý tiền bạc. Mặc dù hành nghề lừa đảo nhưng cô bé cũng rất tốt bụng và biết cảm thông với những người nghèo khổ, như khi gặp một bà góa nghèo đông con, cô bé không lấy tiền cuốn Kinh thánh mà giả vờ là chồng bà đã trả tiền rồi và tặng bà ta cuốn sách đó. Lần khác cô cố thuyết phục Moses cho tiền một gia đình nghèo bên đường nhưng không thành công. Đằng sau vẻ mặt lì lợm ngang bướng, cô cũng là cô bé rất tình cảm, luôn giữ tấm ảnh chụp cùng mẹ và những đồ trang sức mà mẹ để lại bên mình. Cô cũng muốn chụp ảnh bên mảnh trăng giấy cùng Moses vì cô luôn nghĩ rằng Moses chính là cha của cô nhưng anh ta đã từ chối nên cô đành phải chụp ảnh một mình. Hình ảnh cô bé bên mảnh trăng giấy chính là thể hiện khát khao tình cảm gia đình của cô...

Tôi yêu thích bộ phim này không những bởi tài diễn xuất tuyệt vời của Tatum O'Neal mà còn bởi phim được quay trên những con đường dài hoang vắng của tỉnh Kansas nước Mỹ. Tôi thường thích những cảnh quay ngoài trời đó hơn những cảnh quay được sắp đặt trong trường quay và bởi đã quá chán ngán với phố phường đông đúc, tôi có xu hướng thích sự cô đơn trống trải với những con đường đi giữa cánh đồng xa ngút ngàn tầm mắt...