Câu chuyện thứ nhất
Một buổi sáng nào đó chưa lâu lắm, tôi bước vào một hiệu thuốc trên phố Hàng Gai. Hiệu thuốc này lớn, của nhà nước lại nằm ngay góc ngã tư nên rất thuận lợi mua bán. Cuộc trao đổi giữa tôi với hai chị bán hàng diễn ra như sau:
- Chi ơi, chị có thuốc... không?
- Có đấy, đây này. (đưa ra một lọ thuốc)
- Chị còn loại nào nữa không?
- Không, cùng thuốc đó còn loại đóng vỉ nữa thôi.
- (Sau một hồi săm soi xem xét ) Sao loại đóng vỉ này lại đắt hơn loại đóng lọ hả chị?
Đến đây thì:
- Em đừng hỏi bọn chị tại sao, bọn chị không biết đâu. Blah blah blah... Đây là cửa hàng của nhà nước chỉ có thế thôi.
- Tại sao cửa hàng nhà nước lại chỉ có thế thôi? Nếu em mua ở cửa hàng tư nhân họ sẽ nói cho em biết ngay tại sao cùng một loại thuốc mà cái này lại rẻ hơn cái kia.
- (Khó chịu) Đây đã là cửa hàng của nhà nước rồi có nghĩa mua là yên tâm rồi còn cứ hỏi mãi. Blah blah blah...
Thật sự lúc đó trong đầu tôi hiện ngay ra hình ảnh nét mặt tươi cười của một cô bán thuốc ở một hiệu thuốc tư nhân nào đó mà tôi thường tiện đường ghé vào mua, không chỉ một cửa hàng và không chỉ là một người. Tôi tưởng tượng ra cô ấy nói với tôi thế này: "À, thuốc đóng vỉ đắt hơn là vì người ta phải bỏ chi phí đóng thành vỉ, nó sẽ để được lâu hơn trong trường hợp khách hàng không uống liên tục. Còn thuốc đóng lọ là dành cho người dùng nhiều liên tục sẽ rẻ hơn.chị ạ." Đấy, chỉ có một hai câu nói đó thôi mà sao thấy khó khăn với nhân viên "cửa hàng nhà nước" đến thế. Tôi chẳng biết chị ta có ý gì khi nói câu "mua của nhà nước là yên tâm rồi" mà chỉ "yên tâm" một điều là đã trót bước chân vào cửa hàng của nhà nước sẽ bị mắng bất cứ lúc nào cũng như chẳng bao giờ dám tơ tưởng tới suy nghĩ "khách hàng là thượng đế", và cũng cần chuẩn bị sẵn tâm thế người ta không cần bán hàng và mình vì thế sẽ không mua được hàng (vì bực mình bỏ đi chẳng hạn).
Tuy nhiên, hôm đó tôi vẫn mua một lọ thuốc, vì tôi đang vội nên cũng chẳng có thời gian tìm một cửa hiệu khác nữa. Lúc đó tôi nghĩ cửa hàng này chưa bị đóng cửa chắc là vì còn có những người khách dễ tính như tôi, dù bực mình nhưng cũng chặc lưỡi mua đại. Nhưng thực ra đối với tôi đó không phải là lần đầu tiên, trước đó tôi đã mua ở hiệu thuốc này một lần rồi và đã không hài lòng về thái độ bán hàng nhưng vì không nhớ lý do nên lần này tiện đường tôi lại ghé vào. Nhưng quả thật sau lần này tôi đã tự hứa với lòng mình không bao giờ quay lại cửa hàng đó một lần nào nữa hết. Nếu cứ dung túng cho thói xấu thì sẽ không bao giờ có sự thay đổi được. Tôi kể chuyện này cho bạn tôi nghe, không ngờ bạn tôi nói cũng ghét cửa hàng đó và từ lâu không mua thuốc ở đấy nữa rồi
Đây không phải là một ngoại lệ và tôi có rất nhiều kỷ niệm mỗi khi mua hàng hay sử dụng dịch vụ của "nhà nước". Nếu như một ngày xấu trời nào đó chẳng may bước vào một nhà hàng hay phải dùng dịch vụ của "nhà nước", thể nào tôi cũng có cơ hội tự rủa thầm mình vì đã chọn nhầm chỗ. Nhưng ai bảo các "cửa hàng nhà nước" thường hay nằm ở những vị trí đẹp, đắc địa để khiến cho nhiều người vào nhầm chứ đâu phải mình tôi. Thực ra thì tôi đâu có ấn tượng gì xấu với cửa hàng hay dịch vụ của "nhà nước" đâu, tôi lúc nào cũng muốn ủng hộ nhà nước, mua hàng của nhà nước, dùng dịch vụ của nhà nước... Chỉ có điều có một số "người nhà nước" thì không tài nào mê nổi. Hay vì cả đời tôi chưa bao giờ được làm "người nhà nước", làm công nhân viên chức ăn lương nhà nước nên tôi không thể hiểu nổi tầm quan trọng của họ? Bởi vì dù bán được nhiều hay ít hàng hay thậm chí không bán được thì hàng tháng họ vẫn được lĩnh lương đều, cửa hàng thì không phải đi thuê hoặc tiền thuê thì cũng của nhà nước nốt. Nếu họ làm ăn không tốt thì cùng lắm là cửa hàng đó bị đóng cửa hay giải thể và họ được chuyển sang bộ phận khác chứ cũng ít khi sợ bị cho về vườn lắm lắm... Điều này khác một trời một vực với việc một người tư nhân tự bỏ tiền ra lo từ A đến Z cho cửa hàng của mình, nên dễ hiểu là khi có khách vào hỏi thì họ phải niềm nở và sẵn sàng trả lời những câu hỏi của khách để chỉ mong sao khách hàng đừng chạy sang cửa hàng bên cạnh. Trong khi đó, tâm lý của "người bán hàng nhà nước" thường được chăng hay chớ, mua thì mua không mua cũng chẳng ảnh hưởng gì đến ai.
Mùa hè tôi hay đi bơi ở bể bơi trong khách sạn Thắng Lợi. Khách sạn này có một khuôn viên lớn nằm ngay cạnh hồ Tây và trong lúc bơi có thể nhìn ra một khoảng hồ Tây rất đẹp. Nói không ngoa thì vị trí của khách sạn này vào hạng gần như đẹp nhất trong số các khách sạn ở Hà Nội. Vậy mà ngoại trừ vị trí thuận lợi ra thì chẳng có gì nổi bật hết, phòng ốc thì cũ kỹ, dịch vụ thì nghèo nàn và thờ ơ. Ngay như bể bơi, ngoại trừ view đẹp ra thì các dịch vụ khác như tắm tráng hay phòng ốc để thay đồ phải gọi là tệ hại. Chính vì vậy mà mặc dù bể bơi nhỏ tí nhưng cũng không quá đông đúc vào mùa hè, vào lúc chớm thu thì hầu như chẳng có ai
Nhà hàng Hapro Bốn Mùa nằm trên đường Lê Thái Tổ ngay cạnh hồ Gươm là một nhà hàng nằm trong chuỗi cửa hàng của Hapro (không phải ki ốt cafe Hapro ngay sát mép nước hồ Gươm đâu mà nằm đối diện qua đường với cái đó). Cửa hàng này nằm trên tầng 6 (tôi không nhớ chính xác lắm) và nhìn thẳng ra chiếc đồng hồ trên Bưu điện Hà Nội. Tôi đến đó vài lần chỉ vì từ đó có thể nhìn ra được cái đồng hồ và nhìn toàn cảnh hồ Gươm với một góc độ khác. Theo tôi biết thì đó là một công ty của nhà nước hoạt động với phương thức công ty mẹ-con. Tuy nhiên điều tôi muốn nói đến là mấy lần tôi tới để ăn sáng nhưng cửa hàng đó đều rất vắng khách, đồ đạc bàn ghế thì cũ kỹ và có lần tôi bị cô phục vụ ở đó lườm cho một phát suýt cháy mặt vì trót phàn nàn rằng nước phở ở đó hơi nguội (trong thực tế thì quá nguội). Không những thế, đĩa nhạc mà họ hay mở ở đó dường như cũng chỉ có một đĩa lặp đi lặp lại và đã quá cũ kỹ như từ thời thập kỷ 90 của thế kỷ trước vậy. Lần nào đến đây tôi cũng lẩm bẩm chẳng hiểu họ làm ăn gì với cái vị trí đẹp trời cho (mà thực ra là của ai đó cho) này cơ chứ.
Câu chuyện thứ hai
Con đường đê Ngọc Thụy bên kia cầu Chương Dương từ lâu đã bị xuống cấp, gồ ghề lồi lõm, chính vì vậy mà hồi 1000 năm Thăng Long - Hà Nội năm ngoái đã được tu bổ, sửa chữa. Đường đang xấu mà được sửa lại thì mừng quá chứ, còn phàn nàn cái nỗi gì nữa? Nhưng họ sửa thế nào mới là điều đáng nói. Họ làm mới hoàn toàn một đoạn ngắn, rồi bỏ bẵng đó vài tháng. Trước tết nguyên đán, họ làm tiếp một khúc nữa rồi lại để đấy. Sau tết nguyên đán, họ sửa nốt khúc cuối. Ừ thì thôi, không có nhiều tiền thì làm theo kiểu du kích vậy cũng được, khoảng chưa đầy 2 km đường nhưng làm trong 6 tháng cũng chẳng sao. Nhưng đó cũng chẳng phải là điều tôi thấy phiền muộn nhất. Điều phiền muộn nhất của tôi là từ sau lần sửa chữa đầu tiên, những đống đất đá trộn cát, nhựa đường cũ được cào xới lên để làm đường mới được vứt chỏng chơ trên vỉa hè. Rồi sau đó cứ để đấy hàng tháng trời mặc mưa gió bão bùng ngày này qua tháng khác. Rồi những lần sửa chữa tiếp theo, những đống đất cát, nhựa đường đó không những được xúc đi mà lại được làm dày thêm theo năm tháng, kể cả ngay trước tết là khoảng thời gian đáng ra nếu không có đường mới thì cũng nên được dọn sạch sẽ thì chúng vẫn nằm đó "trơ gan cùng tuế nguyệt". Mãi đến sau khi sửa lần cuối cùng tới vài tuần, tôi mới thấy mấy đống đất đá đó được chuyển đi, mà đâu có sạch sẽ gọn gàng gì, chúng được hót đi một cách cẩu thả, vẫn để vương vãi đến tận bây giờ...
Đây cũng chỉ là một câu chuyện điển hình của biết bao nhiêu câu chuyện tương tự diễn ra hàng ngày hàng giờ ở Hà Nội. Có thể mọi người sẽ tặc lưỡi cho qua giống như nhiều người tôi biết vì đó là chuyện chẳng liên quan thiết thân tới mình. Với người dân thì nhà nước làm đường cho đi là tốt rồi, còn phàn nàn gì nữa, đầy nơi đường còn xấu ổ voi ổ gà kia kìa có sao đâu... Ừ, tôi chẳng phàn nàn gì, chỉ nghĩ rằng có lẽ đó là bản chất của con người ở những nước chưa giàu (tôi không dùng từ nghèo vì nước mình đâu còn nằm trong diện những nước nghèo nữa chứ). Bản chất đó là thường làm việc gì cũng không hoàn thành tới nơi tới chốn. Ví dụ như việc làm đường nói tới ở trên, khó khăn gì đâu mỗi khi làm xong khúc nào thì cố gắng hoàn thiện và làm sạch luôn khúc đó, cũng chỉ một chuyến xe thôi mà, lúc chở đá, cát đến để làm đường thì sao không xúc luôn phế thải lên đó để đem đi đổ, vừa tiết kiệm thời gian, tiền bạc mà lại sạch phố phường? Thế mới nói cái bản chất khiến cho nhiều người, bao gồm cả người làm con đường đó và những người qua lại cũng chẳng lấy làm gai mắt khi nhìn đống phế thải đó hàng ngày, coi chuyện đó là bình thường. Và chuyện làm xong nhưng chỉ là cho xong và còn lâu mới được gọi chữ hoàn thiện thì có vẻ quá xa lạ với nhiều người, nhiều ngành nghề trong xã hội.
Đôi khi tôi cứ lẩn thẩn tự hỏi, thay vì chê bai ai/cái gì hay so sánh với bên ngoài thì mỗi người tự nhìn nhận lại bản thân mình và tự cố gắng hoàn thành tới cùng công việc của mình đi thì có lẽ xã hội sẽ tốt hơn rất nhiều. Cũng chẳng khó khăn lắm hoặc vượt quá công sức và thời gian nếu như chỉ để cố gắng hoàn thiện công việc mà mình đã bắt tay vào từ đầu đâu. Sẽ đơn giản nếu như đó chỉ là sở thích riêng của bạn và chẳng có hại đến ai như xem một bộ phim nếu không thích bạn chẳng cần xem đến kết thúc làm gì. Nhưng nếu công việc đó có ảnh hưởng đến người khác và nhất lại là công việc nghề nghiệp của bạn thì chữ hoàn thành là rất quan trọng. Chẳng ai viết báo cáo lại viết nửa chừng rồi bỏ đó. Không ai đánh giá cao người bắt tay vào làm việc thì rất tốt nhưng không bao giờ kết thúc công việc đó, nghĩa là chẳng bao giờ mang lại thành quả gì.
Cô hàng xóm của tôi khéo tay lắm, cô ấy thích học làm hoa bằng vải lụa và học làm cho bằng được. Những ngày đầu tôi thấy cô miệt mài làm từ sáng tới tối và cô cũng làm cho tôi được một lọ hoa nho nhỏ, trong nhà cô hoa lụa bày khắp nơi, nhưng thường là những cành hoa đơn lẻ và đơn giản. Có lần mẹ tôi lên chơi một tuần, mẹ sang nhà cô hàng xóm và cũng học làm hoa lụa. Khoảng mấy tháng sau về thăm nhà, tôi ngạc nhiên khi thấy trong nhà mình rất nhiều những cây hoa đào, mai, lan các loại đã được đặt ngay ngắn trong chậu trông như một chậu cây to thực sự với đầu đủ cành lá hoa, gốc cây, cỏ giả... Mẹ tự hào nói nhiều người đến chơi cứ đòi mua mà mẹ không bán chỉ thích để chơi thôi, có nhiều người còn đặt hàng sản phẩm của mẹ nữa nếu có thời gian thì làm... Đấy chỉ là một sở thích tiêu khiển qua ngày thôi nhưng được ngắm nhìn một sản phẩm hoàn thiện vẫn thú vị hơn là những mảnh riêng lẻ chắp vá không đâu vào đâu cả.
Thực ra tôi cũng chẳng nằm ngoài số đông những người có tính cả thèm chóng chán trên đời này và cũng không thích hoàn thiện những việc mà mình ghét. Tuy nhiên, càng nhìn lại bản thân và những người xung quanh tôi lại càng muốn thay đổi, không phải là một cuộc cách mạng thì cũng là một thay đổi dần dần từng chút một. Cho nên mới có những lần tôi cố thức đến 2-3h sáng chỉ để dịch cho xong một bản dịch cho khách hàng mặc dù đã quá buồn ngủ và chán ngán. Cho nên tôi bớt tặc lưỡi cho qua những gì mình có thể làm tốt hơn. Cho nên mỗi lần muốn đi tắt hoặc làm tắt cái gì tôi lại phải suy nghĩ lại. Vì mỗi lần tôi vội vàng muốn làm cho xong hoặc cẩu thả thì lại mỗi lần tôi phải trả giá bằng chính một điều rủi ro nào đó cho bản thân hay cho người khác. Cho nên dù khi tôi bắt tay vào viết entry này và thấy rằng nó quá dài và viết quá lâu thì tôi cũng cố viết cho xong mới yên tâm đi ngủ được