Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Xem The Pianist (Nghệ sĩ dương cầm) nghĩ về bản chất con người.

Bộ phim The Pianist (2002) của đạo diễn Roman Polanski dựa theo cuốn hồi ký cùng tên của nhạc sĩ Ba Lan Wladyslaw Szpilman. Bộ phim nói về nghệ sĩ dương cầm người Ba Lan gốc Do Thái nổi tiếng 
Wladyslaw Szpilman (Adrien Brody đóng). Szpilman đang làm việc tại đài phát thanh Warsaw (Vacxava) khi phát xít Đức tấn công rồi sau đó chiếm đóng Ba Lan vào tháng 9 năm 1939. Với chiến dịch xoá sạch người Do Thái của Hitler lúc bấy giờ, anh cùng gia đình và nhiều gia đình người Do Thái khác bị dồn tới bước đường cùng, phải sống chui rúc trong những khu nhà ổ chuột, phải lao động khổ sai và bị tước mất quyền con người. Sau đó gia đình anh cùng những gia đình khác bị dồn lại để đưa đến trại thiêu xác ở Treblinka, tuy nhiên anh may mắn được cứu thoát bởi một cảnh sát người Do Thái. Tiếp theo đó là những tháng ngày sống như một nô lệ trong trại tập trung của phát xít Đức. Khi trốn thoát khỏi trại, anh phải sống chui sống lủi, nhiều lần suýt chết bởi bệnh tật. Từ nơi ẩn nấp, nhiều lần anh chứng kiến cảnh quân Đức tàn sát và thiêu những người Do Thái nổi dậy một cách man rợ. Sau đó, hồng quân Liên Xô tiến vào giải phóng Warsaw và Szpilman được cứu thoát...

Hàng trăm năm trước công nguyên, Mạnh Tử đã từng nói "Nhân chi sơ tính bản thiện", có nghĩa rằng bản tính con người là thiện, con người chỉ ác do môi trường, hoàn cảnh, giáo dục... mà thôi. Tôi đã từng tin là như vậy. Nhưng gần đây tôi hay suy nghĩ về học thuyết của Tuân Tử, cũng là một nhà tư tưởng Trung Hoa cùng thời với Mạnh Tử "Nhân chi sơ tính bản ác", có nghĩa là bản chất con người là ác, con người chỉ có tính thiện là do giáo dục mà ra... Tôi không đi sâu vào khía cạnh triết học nhưng càng ngày tôi càng tin vào học thuyết này khi tôi được chứng kiến những việc con người đối xử với nhau và đối xử với các loài vật khác. Con người thực ra cũng chỉ là một loài động vật cao cấp, có chăng là có trí khôn vượt bậc và được giáo dục về những chuẩn mực trong xã hội. Và nếu nói con người cũng là động vật thì hãy xem thế giới động vật đối xử với nhau như thế nào, đó là một thế giới đầy bản năng, kẻ mạnh luôn áp đảo kẻ yếu và kẻ yếu là thức ăn của kẻ mạnh, có rất ít ngoại lệ. Tuy nhiên, tự nhiên cũng rất khéo sắp đặt nên trong thế giới tự nhiên, mỗi loài vật đều có chỗ đứng của mình, cùng song song tồn tại, cho đến khi con người nhúng tay vào... Chỉ có con người mới có khả năng làm biến mất hàng nghìn loại động vật quý hiếm trên thế giới bởi sự tàn sát hàng loạt của mình. Chỉ có con người mới có khả năng xoá sổ hàng trăm nghìn kẻ cùng giống loài với mình bởi những cuộc chiến tranh đẫm máu...

Nếu không dựa vào học thuyết "Nhân chi sơ tính bản ác" thì lấy gì giải thích cho những nạn diệt chủng trong lịch sử? Cứ cho là có một số kẻ điên rồ như Hitler hay Polpot có thú vui tàn sát con người đi thì những người thực thi những chính sách đó, những người trực tiếp ra tay giết hàng loạt người là ai? Đó là những người lính, hàng nghìn những người lính dưới trướng họ. Trong thời bình, họ cũng chỉ là những người lính bình thường như bao người lính khác, tại sao trong thời chiến họ giết người không hề ghê tay? Họ tra tấn con người với thú vui dã tính, họ chà đạp lên người khác mà không mảy may nghĩ rằng đó cũng là những con người như họ. Phải chăng những người như Hitler hay Polpot đã chạm được cái điểm ác trong bản chất con người họ, khiến cho họ như say máu với giết chóc, tra tấn đồng loại như những con vật mà không hề mảy may thương xót? Những cuộc chiến tranh liên miên trong lịch sử và cả trong hiện tại, chẳng có gì biện hộ ngoài lý do sinh tồn và thể hiện sức mạnh, chẳng khác gì thế giới động vật ngoài kia... 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét