Thứ Tư, 23 tháng 2, 2011

The Kite Runner

Đêm qua thức đến gần 3h sáng để kết thúc cuốn "The Kite Runner" của tác giả Khaled Hoseini người Afghanistan (tạm dịch là Người dẫn diều, chưa tìm được tiêu đề nào thích hợp hơn). Cái kết cảm động lấy được chút nước mắt của mình, những giọt nước mắt càng ngày càng hiếm hoi ấy 
. Giải thích qua về cái tiêu đề này chút, ở một số địa phương của Afghanistan trước kia hàng năm thường tổ chức một cuộc thi diều cho trẻ em. Diều nào đánh cho các diều khác rơi hết và còn bay được lâu nhất sẽ chiến thắng. Tham gia cuộc thi thường là một nhóm hai người, một người dắt diều và đánh nhau với các diều khác; một người chạy theo chiếc diều đứt dây đang rơi xuống để "dẫn độ" về bởi vì người đầu tiên nắm được dây chiếc diều bị rơi sẽ là người sở hữu chiếc diều đó. Tiêu đề cuốn truyện này chính là nói về người chạy theo chiếc diều đứt dây để dẫn về.

Cuốn truyện được viết dưới hình thức tự truyện của chính tác giả. Cậu bé Amir mồ côi mẹ từ khi mới lọt lòng trải qua một tuổi thơ êm đềm bên người cha tên là Baba, một thương nhân rất thành công và giàu có ở thủ đô Kabul của Afghanistan. Baba có một người hầu tên là Ali, đã cùng lớn lên với ông từ tấm bé. Con trai của Ali kém Amir một tuổi tên là Hassan, mẹ cậu bé đã bỏ đi từ khi cậu mới được vài ngày tuổi. Hai cậu bé đều được nuôi từ sữa của cùng một bà vú nuôi nên thân thiết như hình với bóng. Hassan rất yêu quý Amir và luôn trung thành với cậu chủ, luôn bảo vệ cậu chủ trước những trêu chọc của trẻ con khác nhưng vì Hassan thuộc đẳng cấp xã hội thấp hơn nên Amir dù cũng yêu quý Hassan nhưng chưa bao giờ coi cậu ngang hàng với mình hay là bạn của mình. Cha của Amir yêu quý cả hai cậu bé và đôi khi Amir thấy ghen tị với tình cảm của cha dành cho Hassan và cảm thấy cha xa cách với mình vì cậu nghĩ việc mình sinh ra đời đã gây ra cái chết của mẹ cậu. Baba luôn muốn con trai trở thành một người đàn ông thực thụ với những thú vui của đàn ông như đá bóng hay những trò thể thao khác trong khi Amir lại chỉ thích đọc sách và bộc lộ khả năng viết văn từ rất sớm. Cũng chính vì thế mà ông thấy ngưỡng mộ Hassan vì cậu bé tỏ ra mạnh mẽ và luôn bảo vệ Amir khỏi những đứa trẻ xấu.

Trong những cuộc thi thả diều, Amir và Hassan thường là một đội và Hassan rất giỏi phán đoán vị trí diều rơi nên thường chạy theo để dẫn diều về cho Amir. Vào mùa đông năm 1975, lúc đó Amir mười hai tuổi, hai cậu bé cùng tham gia cuộc thi năm đó. Amir rất muốn cha tự hào về mình và muốn giành lấy tình yêu của cha nên cậu đã cố gắng hết sức để thắng cuộc. Cậu đã trở thành người chiến thắng và khi chiếc diều cuối cùng rơi xuống, Hassan chạy đuổi theo diều để dẫn về cho Amir. Trước khi chạy đi, cậu bé nói với Amir một câu: "For you, a thousand times over." (Hàng nghìn lần vì cậu.) Đó là một buổi chiều muộn, mãi không thấy Hassan về, Amir chạy đi tìm và cậu đã chứng kiến một cảnh tượng đau lòng. Assef cùng đồng bọn là một nhóm trẻ hư và thường bày trò bắt nạt hai cậu bé nhiều lần trước đây nhưng Hassan thường giải cứu cho cậu chủ nên Assef đem lòng thù hận hai cậu bé. Trong buổi chiều hôm đó, khi Hassan lấy được chiếc diều đứt dây đang trên đường về thì gặp Assef và nhóm bạn của hắn. Assef yêu cầu Hassan đưa cho hắn chiếc diều đó thì hắn sẽ tha cho cậu nhưng Hassan nhất quyết không đưa. Thế là Assef đã làm một việc làm tồi tệ là hãm hiếp cậu bé rồi để cậu bé đi. Đứng nấp ở một chỗ khuất trong bóng chiều nhập nhoạng, Amir đã chứng kiến tất cả nhưng vì hèn nhát và ích kỷ muốn có chiếc diều như một chiến lợi phẩm khoe với cha nên cậu đã không dám chạy ra cứu Hassan mà chỉ lầm lũi trở về như không biết chuyện gì đã xảy ra. Từ sau chuyện đó, mối quan hệ giữa hai cha con cậu được cải thiện đáng kể nhưng cậu lại sống trong nỗi nhức nhối tâm can của tội lỗi về sự phản bội và sự hèn nhát của bản thân mình. Cậu luôn bị dày vò trong đau đớn và Hassan cũng trở thành một con người khác, lầm lì, buồn bã và ít nói hơn. Sai lầm nối tiếp sai lầm, không tha thứ được cho mình nhưng và cũng không giải thoát nổi khỏi tội lỗi và không dám kể với ai về những gì cậu đã tận mắt nhìn thấy, Amir tìm cách đẩy Hassan ra khỏi cuộc sống của mình. Sau sinh nhật hoành tráng của cậu, cậu đã lén bỏ tiền dưới gối của Hassan để vu cho cậu ta lấy cắp tiền và quà sinh nhật của cậu để cha đuổi cha con Hassan đi. Mặc dù Baba sẵn lòng tha thứ và tha thiết giữ hai cha con họ ở lại nhưng Hassan đã nhận là lấy cắp tiền và hai cha con họ lặng lẽ ra đi...

Đến năm Amir mười tám tuổi, tình hình chính trị trong nước xảy ra nhiều biến động với sự xuất hiện của quân đội Xô viết trên đất Afghanistan. Baba quyết định bỏ lại tất cả rồi cùng con trai sang Mỹ nhập cư. Từ một người rất nổi tiếng, giàu có, Baba trở thành một người công nhân bình thường lao động cật lực để nuôi con ăn học. Lúc này Amir đã là sinh viên của trường dạy viết văn và mong ước trở thành một nhà văn lớn. Anh gặp và kết hôn với con một người bạn cũ của cha. Baba sau đó chết vì bệnh ung thư. Cuộc sống cứ êm đềm trôi qua, Amir đã xuất bản một số cuốn sách và có tiếng vang khá lớn nhưng họ không thể có con.

Một ngày mùa hè năm 2000, người bạn cũ rất thân thiết của Baba, Rahim Khan gọi điện cho Amir nói rằng ông đang ở Pakistan, một nước láng giếng của Afghanistan, đang ốm nặng sắp chết và rất muốn gặp anh. Amir bay đến Pakistan và qua Rahim Khan khám phá ra rằng Hassan chính là em cùng cha khác mẹ với mình nhưng vì định kiến xã hội nên Baba đã không dám thừa nhận con trai, chỉ biết yêu con trong đau đớn, và chính vì ông thấy xấu hổ với bản thân mình nên ông đã không bao giờ yêu Amir bằng tất cả trái tim mình như cậu từng mong muốn. Anh cũng biết được rằng trong thời gian mấy chục năm anh và cha anh sống ở Mỹ thì Rahim Khan đến ở trông nhà giúp họ và ông đã đón Hassan lúc này đã có vợ về ở cùng trong chính căn nhà cũ. Hassan có một cậu con trai tên là Sohrab, rất giỏi bắn súng cao su. Khi quân Taliban chiếm toàn bộ lãnh thổ Afghanistan, trong lúc Rahim Khan sang Pakistan chữa bệnh, chúng đã giết vợ chồng  Hassan và cậu bé Sohrab bị đưa vào trại trẻ mồ côi. Rahim Khan muốn Amir trở về Afghanistan đón Sohrab sang Pakistan để sống trong một trại trẻ mồ côi rất tốt ở đây. Chính vì câu nói cuối cùng
của ông "There is a way to be good again." (Luôn có cách để trở lại làm người tốt) mà Amir hiểu rằng ông đã biết mọi chuyện nên đồng ý chấp nhận rủi ro quay về Afghanistan lúc đó đang rất rối ren và nguy hiểm để tìm Sohrab.

Khi trở về Afghanistan, anh được biết Sohrab không còn ở trại trẻ mồ côi nữa mà đã bị một lãnh đạo trong quân đội Taliban đưa đi. Khi anh đến để tìm cậu bé, anh đã chứng kiến cảnh hành quyết một vụ ngoại tình rất dã man bằng cách ném đá cho đến chết và phát hiện ra rằng kẻ ra lệnh hành quyết và kẻ đang giữ Sohrab không phải ai khác mà chính là người quen cũ, Assef. Assef đồng ý để anh đem cậu bé đi với điều kiện phải đánh nhau với hắn trong một trận chiến chỉ có một người thắng. Amir đã bị Assef đánh cho thừa sống thiếu chết và chính lúc hắn định kết liễu cuộc đời anh thì cậu bé Sohrab đã dùng súng cao su bắn thủng một mắt của Assef và thế là anh được đưa cậu bé đi.

Anh phải nằm viện một thời gian và khi đưa cậu bé sang Pakistan anh phát hiện ra rằng không có trại trẻ mồ côi mà Rahim Khan đã nói tới đó nên anh quyết định sẽ nhận cậu bé làm con nuôi và đưa cậu bé về Mỹ với mình. Lúc đầu cậu bé rất xa cách và sợ hãi nhưng anh dần dần lấy được niềm tin của cậu bé, cậu bé trở nên vui vẻ khi nghĩ đến cuộc sống mới của mình ở Mỹ. Anh đã hứa với cậu bé sẽ không bao giờ để cậu bé trở lại trại trẻ mồ côi nữa vì cậu bé đã từng bị lừa dối và đã bị lạm dụng tình dục bởi Assef và thuộc hạ của hắn. Nhưng việc nhận con nuôi là người Afghanistan thời gian đó là vô cùng khó khăn và gần như không thể vì chính quyền lúc đó nằm trong tay quân Taliban và Mỹ không có Đại sứ quán ở nước này. Một luật sư đã bày cách cho Amir là để Sohrab sống trong một trại trẻ mồ côi ở Pakistan một thời gian và anh sẽ làm đơn xin nhận con nuôi ở trại trẻ đó. Khi anh nói kế hoạch này với Sohrab, cậu bé đã khóc và cầu xin anh đừng để cậu trở lại trại trẻ mồ côi một lần nữa rồi cậu thiếp đi. Amir sau đó cũng thiếp vào giấc ngủ và khi vợ anh gọi điện báo rằng cô đã xin được visa trong vòng một năm cho cậu bé sang Mỹ và chỉ cần cậu bé sang được Mỹ thì họ sẽ có cách để xin nhận cậu làm con nuôi. Anh rất vui mừng báo tin đó cho Sohrab lúc này đang trong phòng tắm nhưng không thấy cậu bé trả lời. Khi anh mở cửa phòng tắm, anh phát hiện ra Sohrab đã tự tử bằng cách dùng dao cạo râu rạch vào tay và đang nằm trong bồn tắm. Cậu bé được đưa vào bệnh viện và được cứu sống nhưng từ đó trở đi cậu trở nên câm lặng không nói một lời nào. Kể cả khi Amir đưa cậu bé về Mỹ sống cùng vợ chồng anh được gần một năm.

Đầu năm 2002, vài tháng sau vụ 11/9, Mỹ tấn công Afghanistan và quét sạch quân Taliban, Amir và một số người bạn đã xây dựng nên một bệnh viện cho những người tản cư người Afghanistan ở biên giới với Pakistan. Sau khi bệnh viện hoàn thành và cũng là dịp năm mới của người Afghanistan, anh cùng những người bạn đồng hương và gia đình đến một công viên để ăn mừng. Hôm đó, Sohrab vẫn lặng lẽ như bình thường nhưng rồi anh phát hiện ra cậu bé đang dõi theo những cánh diều trên bầu trời. Anh chạy đi mua một chiếc diều và yêu cầu Sohrab giúp anh thả diều, ban đầu cậu bé lặng im không nói gì nhưng khi thấy anh lúng túng với chiếc diều, cậu bé đã giúp anh thả cho diều bay lên rồi anh đã đánh cho một chiếc diều đứt dây. Anh quay sang hỏi cậu bé có muốn anh dẫn chiếc diều đó về cho cậu không, cậu bé không trả lời nhưng anh đã nhìn thấy một nụ cười rất khẽ trên môi cậu và anh nghĩ rằng anh thấy cậu gật đầu. Và thế là anh nói một câu "For you, a thousand times over" rồi chạy theo chiếc diều đó cùng với đám trẻ con chạy xung quanh. Vừa chạy anh vừa mỉm cười...

Vẫn còn quá sớm để có thể nói đó có phải là một "happy ending" hay không vì chính tác giả cũng nói như vậy và tác phẩm cũng chỉ kết thúc ở đó. Nhưng tôi vẫn muốn tin rằng hạnh phúc sẽ mỉm cười với tất cả những nhân vật trong truyện, bởi vì dù ở đâu và dù chuyện gì xảy ra thì vẫn "Luôn có cách để trở lại làm người tốt."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét