Thứ Hai, 28 tháng 7, 2008

Sương đêm

Sương đêm


Cỏ non


Ướt mềm


Oằn mình


Dưới trăng


Có cơn gió hứng tình


Đùa với cỏ


Có con mèo đi hoang


Động đực


Có nỗi buồn


Không tên


Trân mình


Dưới sương


Lấp loá


Ướt nhèm.


Buông!




Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2008

Sen đêm

Thoảng trong gió

Hương sen hay hương cỏ dại?

Có chú dế mèn khóc rả rích trong đêm.

Sen đêm

Cánh e ấp

Khép hờ sau tàn lá

Sương lăn lăn

Cơn gió mong manh

Lan toả

Níu giữ

Buồn chông chênh.

Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2008

Ước mơ trong đời.

Sáng tác: Đức Trí
Thể hiện: Hồ Quỳnh Hương

Một ngày em mơ.. bao giấc mơ tươi đẹp
Nào đâu có mấy giấc mơ đến như em mong chờ
Và đời cho em.. những nỗi đau vô bờ
Chờ anh đến xóa hết những đau thương

Ước mơ trong đời.. có ai đâu ngờ
Đôi khi sao quá xa xôi !
Vẫn mong một ngày, nắng lên xanh ngời
Ta bên nhau sánh đôi

Biết anh bây giờ.. chắc vẫn mong chờ
Thôi thì anh cứ mong chờ
Những phút vui nào.. có đến bao giờ
Yêu nhau trong mơ thế thôi...!

Hôm nay nghe rất nhiều lần bài hát này. Một bài hát rất tình cảm và da diết. Vẫn là một ước mơ nhỏ nhoi và bình dị mà sao thấy quá xa xôi. Như khi xưa đã từng hay nói câu " Wishing you were here now". Có đôi khi lời ước trở thành hiện thực nhưng hầu hết những ước mơ chỉ là giấc mơ không có thật mà thôi. Và vì thế mà đành chỉ yêu nhau trong mơ thôi sao? Buồn nhỉ.

Đời mỗi người đều chờ đợi một nửa phù hợp đến với mình. Cho nên cả cuộc đời chỉ là cuộc hành trình đi tìm cái nửa của chính mình. Có những người may mắn mới đi một quãng đường ngắn đã tìm thấy và sống với nhau hạnh phúc trọn đời. Có những người chọn nhầm cái nửa của người khác, cố gắn vào cuộc đời mình rồi đến nửa đường cũng rơi rụng mất mà thôi. Lại có những người dù biết là chọn nhầm rồi nhưng cố cắn răng chịu đựng cuối cùng cũng đi hết được quãng đường đời. Và có những người đi đến tận cùng cuộc đời cũng không tìm cho ra được cái nửa của mình, bởi vì họ không muốn nhận lấy một cái nửa của ai kia làm cái nửa của mình. Hoặc cái nửa đích thực của họ đã trót gắn bó với một cái nửa khác khập khiễng mất rồi.

Một nửa của tôi giờ đang lang thang ở đâu? Hay là cái nửa ấy đã gắn bó với một cái nửa nào đó cập kênh mất rồi? Hay là cái nửa đó ở xa tít mù khơi không bao giờ xuất hiện trước mắt tôi? Những cái đã từng được gọi là " tình yêu lớn trong đời" giờ cũng chỉ là phù du trôi nổi chẳng có ý nghĩa gì nữa cả. Đã có thời nhầm tưởng đó là cái nửa đích thực của mình nhưng nếu có gắn bó với nhau liệu bây giờ còn tồn tại? Chắc chỉ có Chúa mới biết nhỉ.

Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2008

Lời thì thầm trong gió.

Sáng thứ bảy, Hà Nội mưa to. Từ trong căn nhà khô ráo và ấm áp nhìn mưa rơi, lắng nghe tiếng mưa gõ nhịp đều đều trên nền sân tạo nên một bản giao hưởng êm đềm. Mở đĩa nhạc Lobo, lâu lắm rồi mới nghe lại đĩa nhạc này. Những bản nhạc country êm ái và dịu dàng quá đỗi. Lúc nào cũng vậy, con sói già Lobo ôm đàn ghi ta lang thang hát trên bãi biển, hát trên đồng cỏ rộng mênh mang, hát giữa những nơi thật bình yên, có cảm giác hơi cô độc nhưng mang lại biết bao niềm an ủi cho những trái tim tan vỡ.


Trong đĩa Lobo, tôi thích và hay nghe nhất bài hát " Whispers in the wind" - những lời thì thầm trong gió. Bài hát thật dịu dàng, giai điệu chậm rãi và da diết; tình yêu ấy cũng nhẹ như làn gió, như hơi thở của biển khơi. Mỗi khi nghe bài hát này, tôi luôn nhớ đến một câu chuyện từ rất lâu rồi, một câu chuyện tình mà như không phải chuyện tình. Một câu chuyện mãi nằm trong vùng ký ức đẹp tuyệt vời của tôi thời thơ trẻ.


Hè năm đó, tôi mới tốt nghiệp lớp 12 và vừa mới tham dự kỳ thi Đại học. Tôi quen cậu ấy trong sự sắp xếp tình cờ của một chuyến du lịch. Đó là một chuyến nghỉ mát Sầm Sơn và Cửa Lò vài ngày. Ngay khi vừa bước lên xe, tôi đã bắt gặp ánh mắt cậu ấy nhìn tôi, một ánh mắt lạ lùng, tươi vui và thân thiết. Chúng tôi mau chóng làm quen với nhau, những người trẻ tuổi thường dễ quen như thế đó. Khi cậu ấy hỏi tên, tôi đã không nói và cậu ấy đặt cho tôi một cái biệt danh dễ thương là " Cuội". Lúc nào cậu ấy cũng gọi tôi bằng cái tên ấy trong suốt cả chuyến đi. Trên xe cậu ấy gọi tôi " Cuội ơi, nhìn kìa" để chỉ cho tôi thấy một cảnh đẹp bất chợt nhìn thấy dọc đường. Trên bãi biển cậu ấy gọi tôi " Cuội ơi", giọng da diết và ánh mắt buồn xa thẳm. Cho đến giờ tôi cũng không thể nhớ nổi gương mặt của cậu ấy, chỉ nhớ là cậu ấy có cái miệng thật tươi lúc nào cũng chực nở một nụ cười thân thiện.


Ngày cuối cùng ở biển, cậu ấy rủ tôi " Cuội ơi đi dạo đi". Hai đứa đi dạo dọc bờ biển, nói đủ thứ chuyện không đầu không cuối. Cậu ấy mua tặng tôi một chuỗi vòng làm bằng ốc biển rất đẹp. Những con ốc biển mỏng manh được mài giũa cẩn thận và được xâu lại với nhau thành những chiếc vòng độc đáo mang hương vị của biển.


Trở về, chúng tôi chia tay nhau không một lời tạm biệt. Dù cho tôi vẫn ở lại thị xã nhỏ của cậu ấy thêm một thời gian nữa nhưng tôi đã không hề liên lạc với cậu ấy. Và đối với cậu ấy, có lẽ tôi đã mất hút trong cuộc đời này, như khi tôi bất chợt đến. Cậu ấy đã không bao giờ biết được tôi là ai, tôi từ đâu đến và tôi sẽ trở về đâu.


Những ngày lang thang trong thị xã, tôi thấy nhớ cậu ấy và những ngày ở biển. Tôi biết rất rõ nơi cậu ấy sống bởi thị xã quá nhỏ và tôi đã đi dạo qua biết bao lần. Những lần ngồi lặng trong thư viện, ngắm nhìn đốm nắng vàng nhảy nhót ngoài hiên vắng, tôi nhớ nụ cười của cậu ấy. Những lần đi chơi gặp mưa phải chạy vào trú mưa trong nhà thờ, ngước mắt nhìn bức tượng Chúa đang hiền từ nhìn xuống trần gian, tôi như nghe thấy tiếng cậu ấy gọi tôi " Cuội ơi!" Những lần đi về vùng quê thơm ngát hương lúa chín, tôi như nghe thấy tiếng sóng vỗ ì ầm bên tai...


Tôi về thành phố, tất cả mọi thứ đều chấm dứt. Cả nỗi nhớ ấy cũng rơi vào vùng xa thẳm, như làn sương khói mỏng mảnh trong chiều, như một tiếng thở dài của biển...

Thứ Năm, 3 tháng 7, 2008

Bóng tối giữa ban ngày.

Nếu có ai đó hỏi tôi rằng, trên đời này tôi ghét điều gì nhất, tôi sẽ không ngần ngại mà trả lời rằng " sự giả dối", đôi khi còn được hiểu là "sự giả tạo". Lẽ đương nhiên ai cũng nói là yêu thích sự chân thành và ghét sự giả dối, như một công thức hiển nhiên nếu được hỏi. Tuy nhiên có mấy ai hiểu một cách rõ ràng điều mình khinh ghét như thế nào không? Có mấy ai biết rõ rằng mình ghét một điều gì đó vì lẽ gì không? Hay là chỉ nói một cách chung chung và không đưa ra được một bằng chứng rõ ràng cụ thể nào cả?

Tôi đã đọc " Những thiên đường mù" của Dương Thu Hương từ khi còn rất ít tuổi và sau này tôi đã mua một cuốn hầu như đã cũ nát trong hiệu sách cũ trên đường Lý Thường Kiệt và đến giờ thì cũng không biết nó đã lưu lạc ở nơi chốn nào. Tôi cảm thấy tiếc bởi vì những lý do chính trị mà giờ đây người ta không còn xuất bản những cuốn sách của tác giả này nữa, như cuốn " Hành trình thời thơ ấu" hồi nhỏ tôi rất mê và đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần rồi.

Đọc " Những thiên đường mù", chẳng hiểu sao tôi cứ đinh ninh rằng hình ảnh ông cậu tên Chính và bà vợ là những hình ảnh rõ nét nhất và sa đoạ nhất của cái gọi là " sự giả dối ". Họ là những trí thức trong xã hội, ra ngoài họ rất đạo mạo và luôn miệng rao giảng đạo đức, nhưng thực chất họ là ai? Họ thèm tiền hơn cả những " con buôn" - những người mà họ vốn khinh bỉ ra mặt, họ xấu xa đồi bại hơn cả những kẻ xấu xa đồi bại nhất, họ hèn hạ hơn cả những người ở dưới đáy thấp nhất của xã hội.

Tại sao, khi tôi đọc về những hạng người đó, tôi thường liên tưởng tới một con vật, đó là con bọ hung? Con bọ hung trông rất mạnh mẽ và dũng mãnh nhưng chỉ chuyên sống ở những nơi hôi thối nhất, chuyên ăn những chất mà con người thải ra. Nếu như ai không biết về đặc tính của con bọ hung thì cũng chỉ coi nó là một con vật bình thường nhưng nếu biết thì sẽ tránh xa ngay. Loại người kia cũng vậy, cuộc sống bề ngoài thật khác xa với bản chất thực của họ. Hàng ngày, họ đóng bộ chỉn chu đĩnh đạc, luôn nói những điều giáo huấn nhưng những góc tối trong con người họ, cái góc thật nhất lại là phô bày một kẻ tham lam, nhẫn tâm và độc ác...

Về một khía cạnh nào đó, họ còn không bằng con bọ hung bởi con vật đó được trời sinh ra như vậy còn những người này, họ có đầu óc và họ mang tên " con người".

Trong xã hội, lúc nào cũng tồn tại những con người giả dối như vậy. Tôi không thể nói tôi khinh ghét những người đàn ông lúc nào cũng tỏ ra yêu thương chiều chuộng vợ, thậm chí luôn miệng nói sợ vợ, bề ngoài lúc nào cũng chỉn chu đĩnh đạc, thậm chí luôn nói những điều hay lẽ phải nhưng lại lén lút ngủ với người khác đến như thế nào. Tôi không phải là người quá cầu toàn trong việc đòi hỏi một mối hôn nhân hoàn toàn chung thuỷ, chung thuỷ tới mức tuyệt đối nhưng giá như họ đừng tỏ ra giả dối như vậy có phải tôi đỡ căm ghét họ không? Đó chỉ là nhu cầu sinh lý có phải không? Vậy thì đừng có quá đề cao tình yêu lên đến mức lý tưởng làm gì. Tại sao họ luôn nói tình yêu là tình yêu và tình dục là nhu cầu sinh lý? Khi ta yêu đến mức đau đớn một ai đó và đang có họ trong tay rồi thì ta sẽ không muốn làm họ phải đau khổ vì những nhu cầu sinh lý vớ vẩn của ta được. Nhưng thực ra vấn đề không nằm ở chỗ tình yêu và tình dục mà nó nằm ở chỗ những lời hay lẽ phải mà người đó phun ra với mọi người, ở mọi lúc mọi nơi và lúc họ hớn hở bộc lộ những hành vi tội lỗi của mình. Ôi, nó mới trái ngược làm sao! Tôi không thể nào tiêu hoá nổi những lời răn dạy của một người nếu như tôi biết chắc rằng thực chất họ không bao giờ sống được như vậy. Tôi sẽ luôn luôn bị ám ảnh bởi những hình ảnh thực nhất phô bày bản chất của họ dù cho đã được họ kín đáo che giấu bởi lớp vỏ ngoài hoàn hảo nhất.

Một người cha mẫu mực làm quan chức ăn tiền hối lộ, một người chồng chung thủy hết mực ngoại tình, một người mẹ chỉn chu luôn đặt điều nói xấu người khác, đâm bị thóc chọc bị gạo, một ông sếp luôn tỏ ra đạo mạo nhưng lại ăn cắp công trình của nhân viên và biến thành công trình của mình, một người sinh ra trong một gia đình bình thường nhưng luôn tỏ ra mình ở một tầng lớp cao hơn để lừa dối người khác... Khốn kiếp vì những kẻ giả dối nhất là những kẻ được mệnh danh là trí thức hoặc những kẻ có máu mặt trong xã hội. Có biết bao nhiêu sự giả dối trong cuộc sống này, nó được che đậy hoặc phơi bày ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Ai cũng nói rằng căm ghét sự giả dối nhưng có thực là mình đang không sống giả dối hay không? Nó khác nào bóng tối giữa ban ngày, nhiều khi sẽ chẳng bao giờ được phơi bày ra dưới ánh sáng mặt trời.