Hồi còn trẻ tuổi nông nổi, những thứ bảy chủ nhật rảnh rỗi tôi hay tụ tập bạn bè đánh bài, là cho vui thôi nhưng cũng chơi ăn tiền. Hôm nào may thì được, rủi thì thua, cũng chỉ vài trăm nghìn là cùng. Rồi có những người bạn hay thậm chí không phải bạn thi thoảng lập hội ở đâu đó quen thói lại gọi điện rủ rê, đôi khi tôi cũng nhận lời. Một thời gian ngắn sau tôi thấy trò này vừa vô bổ vừa mất thời gian nên từ chối không chơi nữa. Cũng lâu lắm rồi, kể lại chuyện đó không phải để khoe thành tích đâu mà điều tôi muốn nói là mỗi lần chuẩn bị chơi bài bao giờ tôi cũng xác định số tiền tối đa mình sẵn sàng mất cho một cuộc chơi. Nếu hôm nào chẳng may đen đủi bị thua thì tôi cũng chấp nhận chỉ thua đến con số đó thôi và dừng lại, không cố gắng gỡ gạc làm gì. Điều này cũng giống như trong hoạt động đầu tư người ta hay gọi đại khái bằng một từ: cắt lỗ; nghĩa là dừng khoản lỗ ở một điểm nào đó chấp nhận được. Tôi còn áp dụng chiến thuật này cho tất cả mọi việc trong cuộc sống của mình.
Đối với tôi, sự cố chấp của loài người chính là liều thuốc độc của tâm hồn. Nghe có vẻ kỳ lạ phải không? Để tôi giải thích nhé, bạn cãi nhau với người bạn thân của mình và hai người nghỉ chơi với nhau. Lúc đó bạn có vui vẻ không và bạn bạn có vui vẻ không? Dĩ nhiên là không rồi, vậy tại sao bạn không làm lành với người bạn của mình đi? Đó là vì bạn quá cố chấp, bạn không muốn xuống nước làm lành trước và bạn của bạn cũng thế. Thế rồi hai người xa nhau dần dần, cho đến một lúc nào đó cả hai người cùng tiếc nuối tình bạn ấy nhưng các bạn đã đi quá xa để nói câu xin lỗi và vì vậy mà các bạn mất đi một tình bạn đẹp. Thật đáng tiếc phải không, tôi cũng từng như thế cho nên khi hiểu được cố chấp nguy hại đến mức nào thì tôi đã trở thành một con người dễ tha thứ nhất trên đời này. Hồi học đại học, một số người bạn của tôi hay nói là tôi thật lạ lùng vì với bất cứ ai tôi cũng tìm thấy điểm tốt đẹp ở người ta. Ví dụ như khi các bạn đang kể những thói xấu một bạn nam nào đó, tôi sẽ nói là người đó có điểm này, điểm này được đấy chứ, đâu đến nỗi đâu...
Sự cố chấp của con người thể hiện ở mọi khía cạnh trong cuộc sống. Bạn kinh doanh thua lỗ nhưng không chịu thừa nhận, để đến khi mọi việc bung bét không thể cứu vãn được thì bạn mới chịu buông tay. Bạn cãi nhau với người yêu hay chồng/vợ, mặc dù bạn sai lè lè ra nhưng vẫn không chịu nhận lỗi, chỉ mong người kia nhận lỗi trước. Bạn xem một trận bóng đá trên tivi, mặc dù bạn buồn ngủ lắm nhưng bạn thà ngồi gật gù còn hơn là đi ngủ vì cứ nghĩ rằng biết đâu mình lại bỏ lỡ một bàn thắng đẹp. Bạn bắt tay làm một dự án nào đó mà lúc đầu bạn nghĩ vô cùng khả thi, nhưng đến giữa chừng bạn nhận ra dự án đó không tốt như bạn tưởng nhưng vì bạn tiếc công sức đã bỏ ra nên vẫn cứ lê lết làm tiếp trong nỗi chán chường...
Vậy đấy, điều cần thiết là phải biết dừng sự việc lại ở đúng cái điểm sự cố chấp xuất hiện. Nhưng quả thật để đạt được điều đó đâu phải dễ dàng. Ngày trước, khi người yêu lỗi hẹn, tôi thường khóc hàng giờ liền và sau đó ủ rũ hàng tuần liền. Khi cãi nhau với người yêu, dù người ta có làm lành thì tôi cũng vùng vằng không chịu để rồi cuối cùng cả hai đứa đều buồn và mệt mỏi. Khi chia tay với người yêu, tôi nhốt mình trong nhà không bước chân ra khỏi cửa... Tôi đã sống những tháng ngày buồn thảm và bi lụy. Cho đến một ngày tự nhủ lòng rằng " Dừng nỗi buồn lại", và nỗi buồn như dòng thác lũ đang ào ào chảy bỗng dưng bị chặn đứng bởi một con đập lớn. Nỗi buồn gào thét một hồi rồi ngoan ngoãn đứng im, hoàn toàn bị khống chế bởi ý chí tinh thần. Sau này, nếu người yêu lỗi hẹn, tôi cũng chẳng buồn phiền, tự đi xem phim một mình hay gặp một người bạn gái nào đó buôn chuyện, cười với nhau. Nếu có cãi nhau với người yêu, tôi luôn là người làm lành trước bởi tôi chẳng muốn phí thời gian để mỗi người ôm một cục tức trong lòng vừa không ngủ được lại vừa mất đi những khoảng thời gian vui vẻ bên nhau...
Trong cuộc sống, tôi không để những phiền phức có cơ hội lại gần mình nữa. Tôi giải tán tất cả những ai hay những gì có nguy cơ gây buồn phiền cho mình. Có thể tôi đã làm phật lòng ai đó nhưng cuối cùng thì lại phát hiện ra rằng, chính hành động có vẻ lạnh lùng của mình lại khiến người khác coi trọng mình hơn và không vì thế mà mình mất đi những người bạn thực sự. Tôi không để mình phải giận dỗi ai hay cảm thấy phiền lòng vì ai đó. Tôi không mấy lo lắng quá xa xôi về cuộc sống và công việc, đơn giản tôi chỉ suy nghĩ về nó, đặt kế hoạch và thực hiện nó. Khi tôi làm điều gì đó mà tôi thấy không mấy hiệu quả, tôi sẽ thử áp dụng phương pháp khác cho cùng một sự việc... Cuộc sống thực thì cũng chẳng thiếu nỗi buồn và lo nghĩ nhưng điều quan trọng là tôi luôn áp dụng sách lược " cắt lỗ", dừng mọi buồn phiền của mình lại ở một cái ngưỡng nào đó cho phép. Bởi khi mình càng dành ít thời gian cho nỗi buồn bao nhiêu thì lại càng có nhiều thời gian cho niềm vui bấy nhiêu. Đấy là tôi nghĩ thế...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét