Thứ Sáu, 9 tháng 4, 2010

Thăm Ayuthaya, cố đô Thái Lan.

Nếu như bạn là một
người thích tìm hiểu những nền văn hoá và kiến trúc cổ xưa, khi đến Thái Lan
bạn không thể không đến thăm thành cổ Ayuthaya, nơi một thời đã từng là kinh đô
hoa lệ của đất nước này.

Nằm cách thủ đô Bankok
hơn 80km về phía Bắc, Ayuthaya được bao quanh bởi ba con sông Chao Phraya,
Lopuri và Pesak. Là kinh đô của Thái Lan trong suốt 4 thế kỷ ( bắt đầu từ năm
1350), trải qua 33 triều đại cho tới khi thành phố này bị Miến Điện phá huỷ vào
cuối thế kỷ thứ 18 ( năm 1767), Ayuthaya không chỉ nổi tiếng bởi những dải san
hô và vẻ đẹp thơ mộng mà còn bởi nơi đây từng là một trong những thành phố lớn
và thịnh vượng nhất ở châu Á lúc bấy giờ. Đế chế Ayuthaya  khi ở đỉnh cao đã từng là vương quốc hùng
mạnh nhất của vùng Đông Nam Á, từng thôn tính đế chế Angkor huy hoàng và không
ngán ngại các thế lực lân bang như Lạn Xạng (Lào), Chiêm Thành (Champa) hay
Gia-va (Indonesia), thậm chí dám thách thức cả cường quốc Trung Hoa. Đây cũng
là nơi quy tụ rất nhiều nền văn hoá tôn giáo khác nhau trên thế giới, đánh dấu
thời đại phát triển rực rỡ về nghệ thuật và kiến trúc ở Thái Lan với những tinh
hoa kiến trúc theo đạo Bà La Môn, đạo Phật của Cao Miên và Miến Điện.

Một góc Cung điện mùa hè.


Trong suốt thời gian
tồn tại hơn 400 năm của mình, Ayuthaya là một trong những nơi buôn bán nhộn
nhịp nhất trên thế giới, giới thương nhân từ khắp nơi như Hà Lan, Pháp, Anh, Bồ
Đào Nha, Trung Quốc, Nhật Bản… tấp nập đổ về đây làm ăn. Ở thời cực thịnh vào
thế kỷ 16-17, quy mô và sự giàu có của Ayuthaya đã từng được các sứ thần ngoại
quốc ví với kinh đô Paris tráng lệ của nước Pháp. Ngày nay, vẫn còn nhiều dấu
vết để lại của nền văn hoá các nước khác như 
“làng Bồ Đào Nha” với phế tích của 3 nhà thờ Thiên Chúa giáo San Paolo,
San Domino và San Pedro; hay “làng Nhật Bản”, được hình thành từ cuối thế kỷ
thứ 10 khi những doanh nhân xứ Phù Tang tới đây buôn bán, mở cửa hàng.


Chỉ mất hơn một giờ
đồng hồ đi ô tô từ Bankok, bạn đã đặt chân tới mảnh đất Ayuthaya rêu phong, cổ
kính. Khác xa với thủ đô Bankok đông đúc và lúc nào cũng trong tình trạng tắc
nghẽn giao thông, đường phố ở Ayuthaya rất rộng rãi và thưa vắng xe cộ. Nhịp
sống ở đây cũng rất chậm rãi và hiền hòa chứ không náo nhiệt như ở Bankok.


Điểm đến đầu tiên mà
du khách thường hướng tới là Công viên Lịch sử Ayuthaya, chiếm tới một nửa diện
tích của thành phố và cũng chính là khu di tích hoàng thành xưa. Từ năm 1981,
địa điểm này đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. Mặc dù giờ
đây chỉ còn là các phế tích nhưng những kiến trúc còn sót lại từ 5-6 thế kỷ
trước cho đến nay vẫn còn làm bao du khách phải sững sờ kinh ngạc trước sự
hoành tráng của nó. Ngôi chùa Yai Chai Mongkhon có ngọn tháp cao tới 60m được
một trong những vị vua vĩ đại nhất của Thái Lan – vua Naresuan – cho xây dựng
vào năm 1592 đến nay vẫn còn đứng sừng sững, như một minh chứng cho thời kỳ
lịch sử huy hoàng của cố đô Ayuthaya. Ngôi chùa ấy cũng là nơi đã chứng kiến
biết bao sự kiện quan trọng trong lịch sử của vương quốc này, nhất là những
trận đánh ác liệt giữa quân Ayuthaya với quân Miến Điện.



Kiến trúc chùa tháp đặc trưng của Thái Lan.


Trải qua hơn 30 triều
đại các vua nên ở Ayuthaya các chùa chiền, đền miếu còn lại rất nhiều. Tuy
nhiên, hầu hết các đền thờ đều chỉ còn sót lại nền, vài bức tường bao quanh,
tượng phật ngồi khắp nơi tạo thành những vòng cung trong đền, những toà tháp
cao với bậc thang thẳng đứng với 4 cửa trổ từ 4 phía. Chùa Wat Maha That (chữ
Wat trong tiếng Thái có nghĩa là chùa hoặc đền), được xây dựng từ thế kỷ thứ
13, giờ đã hoang tàn với các tòa tháp đổ xô nghiêng, tường thành vụn vỡ. Hầu
hết các tượng làm bằng đá khối, được xếp chồng lên nhau, các tư thế thiền đẹp,
mềm mại và thanh thoát nhưng tất cả các bức tượng đều không còn nguyên vẹn, bức
thì bị mất đầu, bức thì mất nửa thân người, hoặc có bức tượng chỉ còn 3 mảnh đá
ghép lại với nhau…

Các phế tích còn sót lại.

Các bức tượng không còn nguyên vẹn hình hài.


Chùa  Wat Maha That còn nổi tiếng bởi bức tượng
chiếc đầu Phật nằm trong rễ cây. Truyền thuyết kể lại rằng trong cuộc chiến
tranh giữa Thái Lan và Miễn Điện, chiếc đầu Phật này đã rơi xuống gốc cây, thời
gian trôi qua, những chiếc rễ cây mọc ra ôm lấy bức tượng đầu Phật tạo nên một
bức tranh tuyệt đẹp. Gương mặt Phật đã trở thành một phần của gốc cây và dù
trải qua biết bao thăng trầm và thời gian, trên gương mặt ấy vẫn luôn giữ được
nét từ bi, siêu thoát với ánh nhìn nhân ái, độ lượng…

Bức tượng đầu Phật nằm trong gốc cây.


Đến Ayuthaya, du khách
không thể không chiêm ngưỡng bức tượng Phật nằm rất lớn, dài tới 37m, cao 8m có
tên là Phra Bhuddhasaiyart. Đầu Phật gối lên một bông sen còn gương mặt thanh
thản quay về hướng Đông. Toàn thân bức tượng được phủ một tấm vải màu vàng rực
rỡ dưới ánh nắng.

Bức tượng Phật nằm thanh thản giữa đất trời.


Cách bức tượng Phật không
xa, Wat Phrasi Sanphet nổi bật với những toà tháp rêu phong đồ sộ trên nền cỏ
xanh mượt. Đây là ngôi đền lớn nhất và cũng là kinh thành, được xây dựng vào
năm 1499  dưới thời vua Rama đệ nhất.
Những đời vua kế tiếp trùng tu và xây thêm những toà tháp xung quanh, đây cũng
là nhà nguyện của Hoàng gia vì vậy không có tăng sĩ sống bên trong. Nơi đây có
những ngôi tháp lớn được xây dựng để đựng tro của Vua Boromatrailokanat và hai
con trai và cũng là nơi hoả táng thi hài các thành viên gia đình hoàng gia. Ngôi
đền này có một tượng Phật cao 16 thước, toàn thân dát tới 250 kí lô vàng ròng,
đặt trong hoàng cung nơi hoàng gia thờ cúng nhưng năm 1767, hoàng cung bị chiếm
đóng, quân đội Miến Điện đã phá tượng, đốt vàng cho tan chảy để đem về nước.

Các phế tích còn sót lại.

Tòa tháp cổ kính này còn khá nguyên vẹn.


Nếu như còn thời gian, du khách cũng không nên bỏ qua
tiết mục xiếc voi trong công viên Ayuthaya. Những chú voi đã được thuần hoá rất
dễ mến và thân thiện sẽ khiến cho du khách nở những tràng cười sảng khoái và
tạm quên đi cái nắng nóng oi ả bên ngoài.

Một góc trong Cung điện mùa hè.

Rời công viên Lịch sử, du khách sẽ đến
thăm Bang Pa-in, một hòn đảo xinh đẹp và là Cung điện mùa hè. Cung điện này
được xây dựng từ thời vua Chulalongkorn vào năm 1876, là một khuôn viên rất
rộng lớn và được xây dựng trên việc tổng hợp nhiều nền văn hoá Đông – Tây khác
nhau. Bên cạnh những công trình mang đậm nét văn hoá Thái, chúng ta có thể bắt
gặp ở đây những công trình kiến trúc mang dáng dấp của Itali, của Cam pu chia,
của Trung Quốc và nhiều nền văn hoá khác trên thế giới. Tất cả hoà quyện với
nhau tạo thành một quần thể kiến trúc vừa lộng lẫy, tráng lệ mà vẫn giữ được
những nét nên thơ và thanh bình…


Đã gần 300 năm qua đi kể từ khi Ayuthaya
bị tàn phá, cố đô của Thái Lan ngày đó giờ chỉ còn là những đống phế tích đổ
nát. Đứng trước những bức tường thành rêu phong nhuốm màu thời gian, du khách
không khỏi chút ngậm ngùi tiếc nhớ về thời kỳ thịnh vượng của một đế chế oai
hùng khi xưa. Hưng thịnh và suy vong của một cường quốc, âu cũng là chu kỳ tất
yếu của bất cứ nền văn minh nào trong lịch sử loài người.


                                                                        Photos and written by Cafe Sua da, 15/07/2008.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét