Tôi đã đọc " The Great Gatsby" của nhà văn F. Scott Fitzgerald, không phải chỉ một lần, không phải chỉ trong nguyên tác tiếng Anh mà cả bản dịch " Gatsby vĩ đại" của dịch giả Hoàng Cường. Đấy là tôi có nghe nói đến một bản dịch mới mang tiêu đề " Đại gia Gatsby" nhưng tôi không muốn tìm đọc bởi vì riêng cái tiêu đề đã thấy phản cảm và không đúng ý tác giả rồi. Chữ " great" trong tiếng Anh là một tính từ và có thể dịch là vĩ đại hay tuyệt vời, và đó cũng gần như dụng ý của tác giả. Nếu như tính từ " vĩ đại" gợi cảm và sát thực bao nhiêu thì danh từ " đại gia" lại tầm thường và gần như sai hoàn toàn ý đồ của tác giả bấy nhiêu. Tôi chẳng hiểu tại sao người dịch sau, có thể muốn chơi trội và không muốn bị cho là lặp lại của người dịch trước, hoặc có một dụng ý nào đó, nên đã lấy một cái tiêu đề mà đọc lên đã thấy tầm thường như vậy.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà năm 2007, " The Great Gatsby", một cuốn sách mỏng chỉ chưa đầy 200 trang giấy, được tạp chí Times bình chọn là một trong 10 kiệt tác văn chương của mọi thời đại. Tiểu thuyết viết về cuộc đời vinh quang và tủi nhục của Jay Gatz, tên gọi tắt của Gatsby, nhân vật chính trong tác phẩm. Anh là người bình dị, xuất thân trong một gia đình nghèo nhưng lại yêu say đắm Daisy Buchanan, một phụ nữ giầu có và xinh đẹp. Gatsby
đã làm mọi cách, kể cả phải dùng đến những thủ đoạn mờ ám để chiếm được một tài sản lớn nhằm chinh
phục người đẹp. Thế nhưng, khi bước chân vào thế giới thượng lưu Mỹ ở
vùng Long Island, anh chỉ thấy những trò giải trí vô bổ, những thói vô ơn và vô tâm của con người trong xã hội mà anh đã tìm mọi cách để bước vào. Xã hội đó đã lợi dụng và cuối cùng quay lưng lại với anh, ngay cả Daisy cũng rũ bỏ anh không chút thương tiếc,
khiến Gatsby thất vọng dẫn đến một cái chết buồn thảm và kinh hoàng.
Cho đến nay, nhiều người vẫn tranh cãi xem tại sao Gatsby lại được coi là vĩ đại, và tác giả ca ngợi anh hay là phê phán một kiểu người như anh... Nhưng nếu ai đã một lần đọc và yêu mến tác phẩm thì đều hiểu rằng tại sao anh lại vĩ đại. Bởi vì anh có một ước mơ lớn và có một tình yêu lớn để vươn tới. Chính ước mơ và tình yêu trong sáng, chung thủy trọn vẹn đó đã khiến anh trở nên vĩ đại, vượt qua mọi thứ tầm thường trong xã hội mà anh đang sống. Và đó cũng chính là suy nghĩ của người kể chuyện trong tác phẩm, Nick Carraway, khi anh nói với Gatsby trong lần gặp cuối cùng: " They're a rotten crowd. You're worth the whole damn bunch put together" ( dịch: Bọn chúng chỉ là một lũ thối tha. Mình anh cũng đáng giá hơn cả lũ ấy cộng lại.)
Đọc " The Great Gatsby", tôi lại liên tưởng tới Martin Idon trong tác phẩm cùng tên của Jack London. Cũng một tình yêu của một chàng trai nghèo với một cô gái giàu có trẻ đẹp và đó chính là động lực để Martin thành công trong sự nghiệp nhà văn của mình. Có một điểm giống nữa đó là cả hai tình yêu lớn, đẹp đẽ và chân thành của hai người đàn ông đó đều đặt nhầm chỗ vào những người phụ nữ nông nổi, hời hợt và hám danh lợi. Cuối cùng cả hai đều có một kết cục bi thảm, Gatsby thì bị giết còn Martin Idon thì tự sát. Kết cục buồn và tất yếu cho những " trái tim lầm chỗ để trên đầu", đó cũng là lời cảnh tỉnh cho những ai đặt nhầm niềm tin vào những nơi không xứng đáng...
Tôi cũng như bao thế hệ độc giả, đọc những tác phẩm đó để rồi ngậm ngùi xót thương cho những số phận không may mắn sinh ra nhầm thời...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét