Thứ Sáu, 3 tháng 9, 2010

Tuổi thơ tôi - Thế giới dưới đáy sông.

Con sông Lạch Tray uốn khúc cắt ngang thành phố. Dòng sông nước chảy đỏ quạch phù sa lượn lờ bao bọc các khu phố dài và rộng. Sông ơi, mày chảy về đâu?

Ở một khúc sông, có một cây cầu nho nhỏ, cong cong mọc lên, phía bên kia cầu có một ngôi nhà nho nhỏ nằm giữa một mảnh vườn to to, trong ngôi nhà nho nhỏ có một cô bé không nhỏ mấy đó chính là tôi, híc.

Ngày ngày, tôi đi bộ đi học. Mỗi ngày ít nhất hai lần vượt qua cây cầu đó để tới trường rồi về nhà, ròng rã suốt thời cấp I và cấp II. Và chính từ những lần đi bộ như thế đã khiến cho trí tưởng tượng vốn đã rất phong phú của tôi ngày càng phát triển. Hồi đó tôi có một cô bạn thân, vừa ở cùng xóm lại vừa học cùng lớp nên hôm nào hai đứa cũng đi học và về học cùng nhau ( cô ấy giờ lại là giáo viên tiểu học ở chính ngôi trường cũ của bọn tôi ngày ấy.) Bọn tôi đã cùng nhau xây dựng lên cả một thế giới ở dưới đáy sông, nơi đó có một lâu đài nguy nga tráng lệ cùng với nhà vua, hoàng tử và công chúa... Mỗi ngày trên đường từ trường về nhà, chúng tôi lại bổ sung những chi tiết mới cho câu chuyện của mình, nào là công chúa xinh đẹp ra sao, nào là chàng hoàng tử cầu hôn công chúa thế nào, nào là nhà vua cầm quân đi dẹp giặc ngoại xâm và chiến thắng trở về..., những chi tiết đó thường được chúng tôi lấy từ vô vàn những cuốn truyện cổ tích mà hồi đó chúng tôi hay đọc, nhất là cuốn "Nghìn lẻ một đêm". Chúng tôi còn bổ sung kho vàng bạc châu báu của nhà vua bằng cách mỗi ngày đều ném một thứ gì đó đèm đẹp mà chúng tôi nhặt được ở dọc đường đi xuống sông như mảnh chai mảnh sành hay một viên đá có màu sắc rực rỡ nào đó, híc

...

Bây giờ mỗi lần về nhà, tôi thường bắt xe về đến bên kia cầu rồi đi bộ qua cầu để về nhà. Mỗi lần đi trên cây cầu đó lòng tôi lại bồi hồi những kỷ niệm thuở bé thơ. Cây cầu Niệm bây giờ lan can không còn là bê tông cốt sắt như trước kia mà thay vào đó là lan can sắt. Nhớ ngày bé, mỗi lần đi học về hoặc buổi tối lên cầu chơi hóng mát thường có một vài đứa nổi máu yêng hùng chạy băng băng trên chiếc lan can đó. Tôi cũng nhiều lần đi thử hoặc ngồi trên thành cầu hóng gió nhưng quả thực trong lòng hơi run vì sợ nhỡ có đứa nào chơi ác ẩy mình xuống sông thì tiêu luôn vì hồi đó tôi không biết bơi

.

Dòng sông bây giờ dường như cũng không hiền hòa như xưa vì đã có thêm rất nhiều tàu nhỏ và xà lan hàng ngày chạy qua đó làm náo động cả một dải sông dài. Và thuyền chài, những chiếc thuyền nan ngày ấy giờ trôi dạt nơi đâu? Nhớ ngày nhỏ trên khúc sông ấy thường dập dìu thuyền chài bắt cá, cả gia đình sống chen chúc trong một chiếc thuyền con, hàng ngày nấu nướng, tắm giặt, ngủ nghỉ đều chỉ trong một không gian nhỏ xíu đó thôi. Con cái thuyền chài thường không được đi học hoặc nếu có đi học thì cũng phải nghỉ học sớm vì họ nghèo. Vậy mà hồi đó, nhìn những đứa trẻ tự do như ngọn sóng, hàng ngày bơi lội tung tăng như rái cá, giúp cha mẹ quăng lưới bắt tôm cá, tôi lại thấy có một vẻ lãng mạn nào đó và ước sao được sống một cuộc sống tự do như chúng.

Thỉnh thoảng trong những lần đi học về dừng chân nghỉ trên cầu, nhìn thấy lũ con cái thuyền chài dưới sông, chúng tôi lại ngứa miệng đấu võ mồm với bọn chúng. Chúng tôi hay trêu chọc bọn chúng là: "Thuyền chài ăn cá cụt đuôi. Đến khi nước cạn lấy ... mà ăn."

Bọn nhóc đó cũng không vừa, bắc loa miệng chửi lại chúng tôi. Đến khi bố bọn chúng ở trong thuyền ló đầu ra, bọn tôi mới vội vàng ù té chạy, vừa chạy vừa cười ré lên...

Dòng sông và cây cầu ấy ghi dấu bao kỷ niệm của tôi. Sau này khi lớn lên đi học cấp III xa hơn nên đi học bằng xe đạp, ít có dịp đi bộ qua cầu, hơn nữa việc học hành bận bịu nên cũng không mấy khi có thời gian lên đó chơi. Lên cấp III, bạn và tôi cũng không còn học cùng lớp nữa và chúng tôi cũng dần quên câu chuyện tưởng tượng dưới đáy sông, chỉ thỉnh thoảng gặp nhau nhắc lại và cười vui. Bây giờ nhớ lại, thấy cũng là một câu chuyện tưởng tượng thôi nhưng trí tưởng tượng hồi đó sao trong sáng đến lạ kỳ, nó theo chúng tôi hết thời cấp I và gần hết thời cấp II mà chúng tôi vẫn luôn hứng thú với câu chuyện đó cho đến tận khi chấm dứt tuổi thơ

.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét