Dạo học năm ba đại học (có lẽ năm tư cũng không nhớ rõ lắm),
một buổi tối cậu bạn học cùng cấp ba tới chơi rồi rủ, “Đi uống rượu đi, có chỗ
này hay lắm.” Đến nơi, một quán cóc trên đường Đội Cấn thì phải (vì quá lâu rồi
cũng không nhớ nữa), đồ nhắm được bày ra và một bình rượu trắng. Cậu ấy quảng
cáo: “Rượu này gọi là rượu cỏ vì không được nấu bằng gạo bình thường mà được
nấu bằng cỏ.” Hồi đó, nào tôi có hiểu gì, chỉ thấy lạ nên gật gù tâm đắc khen
ngon. Cả cậu ấy và tôi lúc đó đâu có biết rằng chả có rượu nào được nấu bằng cỏ
cả, nó được gọi là rượu cỏ bởi đơn giản nó chẳng có nguồn gốc xuất xứ gì và bởi
nó rẻ như… cỏ. Và nó cũng được bán nhan nhản trên khắp các xó xỉnh vỉa hè, từ
hàng ăn cho đến hàng nước, quán phở, quán nhậu… giống như cỏ dại vậy. Thời đó
có khi chỉ 5k hay 10k là được cả chai 65 đầy rồi. (Ơn trời là mặc dù tọng tương
đối nhiều cái thứ rượu không nhãn hiệu đó vào người nhưng thời đó và đến cả
thời nay bụng dạ tôi cũng chưa hề hớm gì .)
Một thời đã xa, tôi không nhớ hết tôi đã từng lê la bao nhiêu
quán xá từ vỉa hè đến nhà hàng sang trọng nhưng thực sự mà nói tôi cũng chỉ nhớ
đến những quán cóc bên hè phố phường Hà Nội.
Những quán cóc vỉa hè luôn có sức hấp dẫn ghê gớm vì mỗi
quán đều có món đặc biệt riêng (không phải sơn hào hải vị mà là những món dân
dã và rất hợp mồi). Còn nhớ những chiều hè ngồi quán cóc trên phố Văn Miếu,
ngay ngã tư cắt Nguyễn Thái Học và Cao Bá Quát, nhìn sang Bảo tàng Mỹ Thuật
(chỗ đó đã giải tán từ nhiều năm trước rồi.) Rượu thì không có gì đặc biệt
(cùng một loại rượu cỏ mà có lẽ là nước lã pha cồn thì đúng hơn, khá hơn thì là
rượu gạo nấu nhưng chẳng mấy đảm bảo về chất lượng, hoặc nếu thích thì gọi chai
Vodka mà nhâm nhi), nhưng ở đó có những món như chim sẻ rán, chả nhái, chả cốm,
cua đồng rán, đậu phụ rán chấm mắm tôm ăn kèm rau kinh giới và bún lá… Cái
thoải mái của quán vỉa hè là có khi chỉ cần gọi một đĩa đậu phụ rán với một
chai rượu cỏ mà có thể ngồi khề khà từ 5h chiều đến tận tối bao giờ nhà hàng
thu dọn đồ nghề cũng chẳng sao. Ngồi đó nghe thiên hạ chém gió và nhìn dòng
người qua lại ngược xuôi cũng là một cách giải tỏa nỗi buồn nếu như chẳng may
bị… thất tình chẳng hạn .
Một quán cóc nữa mà tôi nhớ và có lẽ cũng giải tán từ lâu
nằm trên phố Hàng Bún. Ở đó có món nộm bò khô và ngẩu pín bò (hoặc lợn hoặc gì
gì đó) ăn với tỏi nướng. Hồi đó tôi thích ăn thịt bò khô ướp ngũ vị hương nhưng
chả chắc lắm về món ngẩu pín kia, híc… Các quán vỉa hè này thường không bán cả
ngày mà chỉ mở hàng vào buổi chiều, tầm tan giờ làm cho đến tối và cũng không
có nhà cửa đàng hoàng mà chỉ là một gánh hàng với vô số ghế nhựa thấp và mâm
nhựa cũng đặt trên một chiếc ghế làm bàn.
Còn nhớ một quán, không phải quán cóc mà là một nhà hàng lớn
hẳn hoi nằm trong một ngõ nhỏ trên phố Thái Hà đi vào (tôi không nhớ tên nhà
hàng, hình như đó là tên ông chủ quán ghép với một đặc điểm nào đó như béo gầy
hay có râu ria gì đó – có lẽ là Dũng râu thì phải). Tôi nhớ nó bởi ở đấy có bạt
ngàn các loại rượu ngâm từ bình lớn cho tới bình nhỏ và đặc biệt là có món chân
chó nướng, híc . Lẽ dĩ nhiên là vì tò mò thì trong lần đầu tiên đến đó cũng gọi
một đĩa nhưng từ đầu đến cuối tôi không dám động vào và những lần sau có đến
cũng không bao giờ gọi món đó nữa...
Nếu ai đi chợ đêm Hà Nội từ đầu phố Hàng Đào thì làm ơn quá
bộ qua Hàng Ngang rồi đi qua chợ Đồng Xuân tới gầm cầu Long Biên, các bạn sẽ
thấy vô số những quán cóc nằm ngay bên cạnh gầm cầu, nơi đó là thiên đường của
món dạ dày nướng, lòng nướng, mề nướng và những thứ gì gì đó bên trong con lợn được nướng
nữa không biết. Còn nhớ cô bạn H. của tôi hồi chưa lấy chồng thỉnh thoảng lại
chạy qua bảo H. ơi em thèm món dạ dày nướng quá, đi ăn đi. Mặc dù tôi không hâm
mộ mấy món nướng lắm nhưng thích thì chiều. Được cái nhà hàng có bí quyết nhà
nghề cho thứ gì đó vào món nướng khiến cho món ăn cũng thơm ngon hấp dẫn, nhất
là đối với những tín đồ của món nướng như cô bạn tôi. Và dĩ nhiên là có đồ ăn thì
cũng chẳng bao giờ thiếu một chút rượu cỏ (hoặc Vodka… tùy thích) đẩy đưa… Được cái, ăn ở đây cứ đến khoảng 11h đêm là tự dưng cả khu đồng loạt tắt điện tối om, hóa ra là giờ đó xe của các chú công an đi tuần qua nên các quán biết điều rủ nhau tắt điện để "chứng tỏ sự tôn trọng pháp luận của mình", nhưng chỉ 1-2 phút sau khi các chú công an rút là mọi sự lại diễn ra bình thường...
Nói đến món nướng thì không thể không nhắc đến món nem chua
nướng ở cạnh sân nhà thờ lớn, nơi không biết từ bao giờ đã trở thành tụ điểm tụ
tập của bao thế hệ thanh niên, từ chíp hôi cho đến lão làng. Món nem chua nướng
thường là nem mới làm, chưa kịp chua vì nếu để chua ăn sẽ kém ngon đi, được
xiên vào một cái que và đưa lên bếp than hoa nướng, khi ăn chấm với tương ớt.
Ngoài ra ở đó còn có món cá chỉ vàng nướng được ăn kèm với củ đậu hoặc dưa
chuột chẻ. Hồi đó tôi hay ăn món nem chua rán ở đó hoặc ở một quán nằm trên một
con ngõ rất chật trên phố Hàng Bông.
Nếu ai chán rượu cỏ mà thích uống rượu dân tộc được đựng
trong những nậm rượu con con thì đến High Way 4 trên phố Hàng Tre, đây không
phải là quán cóc mà là một nhà hàng có từ lâu rồi, khách ta khách tây đủ cả. Tôi
nhớ ở đó có món châu chấu cào cào rang với lá chanh ăn khá thú vị . Không những
thế nhà hàng còn phục vụ miễn phí nước ngô hoặc nước chè xanh pha loãng để
khách giã rượu và để có thể tiếp tục uống.
Kỷ niệm về thời nông nổi thì thật là nhiều. Tôi vẫn nhớ
những đêm ngồi uống rượu mực trên phố Hàng Bồ, ngồi lâu rất lâu trên đó. Hồi đó
và cả bây giờ cứ tối đến khi các hàng quán bán hàng ban ngày nghỉ là những quán
cóc bắt đầu mọc lên, mỗi quán trải vài chiếu ngay trên vỉa hè làm chỗ cho khách
ngồi. Có đêm đang ngồi thì trời mưa, cũng chẳng muốn về cứ ngồi túm tụm nép
dưới mái hiên chờ mưa ngớt để nhậu tiếp…Một câu chuyện truyền khẩu hay được đem ra kể bên chiếu nhậu rằng phố Hàng Bồ là nơi tiếp giáp giữa hai phường Hàng Bồ và Hàng Bạc nên mỗi khi đến giờ giới nghiêm công an bắt đầu đi tuần qua. Mỗi khi công an phường Hàng Bồ đi dẹp loạn là những con nhậu ôm chiếu chạy sang phường Hàng Bạc ngồi. Khi công an phường Hàng Bạc đuổi gấp thì khách hàng lại chạy sang Hàng Bồ ngồi nên công an phường Hàng Bạc chẳng làm gì được. Thế là hòa cả làng...
Nhớ những lần rượu ốc…
Nhớ những lần rượu chân gà nướng…
Nhớ những lần rượu với xoài xanh chấm muối ớt…
Và những lần…
Ai đó gọi là ăn tạp uống nham cũng được, ai đó gọi là ăn
uống mất vệ sinh cũng chẳng sai (có lẽ vì đã từng ăn nhiều thứ của nợ như thế
quá nên bây giờ tự dưng tôi lại có xu thế thích ăn chay mới chết chứ, híc),
nhưng nói cho cùng ở cả cái đất nước này có chỗ nào mà không có món ăn mất vệ sinh
cơ chứ? Biết đâu đó cũng là một nét văn hóa mà nước khác không có ?
Ai cũng có những kỷ niệm về thời trẻ đã qua, có thể là buồn
có thể là vui, có thể là đáng nhớ hay muốn quên. Nhưng tôi dù chẳng quá hoài
niệm thì vẫn luôn nhớ một Hà Nội bên hè phố, như một Hà Nội bên lề một Hà Nội
khác phong nhã và hào hoa mà sách vở thường hay ca tụng. Với tôi, Hà Nội với
rượu cỏ và quán cóc vỉa hè còn để lại ấn tượng sâu đậm hơn Hà Nội rực rỡ đèn
hoa và sang trọng như những gì mà người ta đang cố tô vẽ cho nó.