Thứ Hai, 12 tháng 1, 2009

Một ngày

Mấy hôm nay theo dõi chuyên đề "Người trẻ sống nhạt" trên Tuần Việt Nam của vietnamnet.vn, thấy cũng có nhiều điều đáng để suy nghĩ. Rất nhiều người than phiền rằng tuổi trẻ bây giờ sống nhạt nhẽo quá, không lý tưởng, không mục đích, không hoài bão... Cuộc sống cứ bình lặng trôi đi như nước chảy bèo trôi, mỗi ngày qua đều thấy đời sao vô vị, không màu sắc, không biến cố, ngày nào cũng giống ngày nào như hai chị em sinh đôi. Rồi những câu cảm thán " Buồn quá", " Chán quá ". " Buồn như con chuồn chuồn ", " Chán như con gián"... xuất hiện đầy rẫy khắp nơi trên các diễn đàn mạng, trong các cuộc nói chuyện gẫu của người trẻ, trong các lời tự sự. Giật mình tự hỏi phải chăng thế hệ trẻ thời hiện đại mới có cảm giác đó? Nhưng nhìn sâu xa hơn một chút về quá khứ, thì thấy từ rất lâu rồi, thế hệ nào cũng có những người như vậy và thực ra thì đối với mỗi con người không ít thì nhiều có lúc sẽ thấy xuất hiện những suy nghĩ buồn rầu chán chường như thế. Chỉ có điều ở người này mật độ ít hơn ở người kia mà thôi.


Người ta đổ lỗi cho một nền giáo dục thụ động, một xã hội thiên về lối sống đề cao vật chất, tốc độ thị trường hóa nhanh chóng... hay một vài thứ đại loại thế là những nguyên nhân chính gây ra một lối sống nhạt nhẽo của một số người trẻ hiện nay. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Đừng đổ lỗi cho những lý do khách quan nữa, hãy nhìn thẳng vào yếu tố chủ quan, chủ thể con người. Bởi có những người đã từng trải qua những ngày tháng nhạt nhẽo, vô vị nhưng khi muốn thay đổi bản thân mình họ đã thay đổi được và sống một cuộc sống có ích hơn, trước hết là với chính bản thân họ. Ở con người luôn tồn tại hai điều ( chẳng biết có thể gọi là gì nữa, phẩm chất hay bản chất??? ) đó là sức ỳ và ý thức tự vươn lên. Sức ỳ, đó là ước muốn được yên ổn, sống một cuộc sống phẳng lặng ao tù, không động đến ai mà cũng chẳng ai động đến mình, đó là không muốn thay đổi, không muốn có một cuộc cách mạng nào bởi nếu những việc đó xảy ra thì có vẻ hơi phải dùng đến nhiều sức lực quá ( mệt người! ). Còn ý thức đấu tranh, tự vươn lên đó là muốn thoát ra khỏi chính bản thân mình để làm điều gì đó khác thường hơn, dù ít dù nhiều, chưa muốn nói đến làm một cái gì đó phi thường chưa từng ai làm nổi. Cả hai điều này đều ở bên trong một con người, nếu điều nào lớn hơn thì người ta sẽ đi theo xu hướng đó. Hoặc trong suốt cuộc đời, từng thời điểm họ sẽ sống một cuộc sống nhạt nhẽo hay mặn mòi tùy theo sự thôi thúc trong chính bản thân họ. Thế mới có những người trẻ khi bước chân vào đời đầy nhiệt huyết nhưng dòng đời xô đẩy dần dần buông tay theo số phận nhạt nhòa. Nhưng ngược lại rất nhiều người có tuổi trẻ sống vô vị nhưng một ngày chợt giật mình nhận ra và họ đã quyết tâm thay đổi cuộc đời mình và họ đã thay đổi được. Có câu nói " Đời thay đổi khi ta thay đổi" là vì vậy.


Nhìn tổng thể quá trình tiến hóa, phát triển của loài người, có thể thấy chắc chắn một điều rằng dù có lúc thăng lúc trầm thì loài người vẫn đang phát triển với một tốc độ ngày càng cao. Điều đó đồng nghĩa với việc lúc nào số người khao khát thay đổi thế giới, khao khát làm được những điều khác thường vẫn lớn hơn số người thụ động, sống một cuộc sống vô vị, vô nghĩa. Hay nói chính xác hơn thì về tổng thể, ý thức tự vươn lên, vượt qua chính bản thân mình vẫn chiếm ưu thế hơn sức ỳ, bản năng thụ động trong mỗi con người... Nhìn lại xã hội VN hiện nay, dù tốc độ phát triển có vẻ giống tốc độ con rùa bò khá ì ạch nhưng cũng không thể phủ nhận được rằng chúng ta đang " phát triển ". Điều đó có nghĩa là nếu có than phiền thì cứ than phiền nhưng cũng đừng có quá bi quan khi nhìn vào lớp người trẻ hiện nay, tương lai của đất nước mai sau. Đừng vội vã kết tội họ, hãy nhìn họ với cái nhìn công bằng, độ lượng hơn và hãy cho họ thời gian để định hình cái " tôi " của họ. Hãy đặt nền móng định hướng từ bây giờ chứ đừng để đến lúc chính người trẻ hiện nay, đến 10 hay 20 năm sau lại bắt đầu than phiền về một lớp người trẻ mới. Cái vòng luẩn quẩn ấy có lẽ sẽ chẳng bao giờ chấm dứt.


Nhân đang mạch suy nghĩ này, lại nhớ đến một đoản văn rất hay của nhà văn Băng Sơn, post lên đây cho các bạn đọc chơi, để thấy rằng từ rất lâu rồi, rất nhiều người đã trăn trở về một cuộc sống " có ý nghĩa " chứ không phải bây giờ người ta mới bàn tới.


Một ngày - Băng Sơn


Để có một ngày hữu ích, một ngày không buồn tẻ, nhàm chán, vô vị... thật khó.


Thắp một nén nhang trong ngôi đền thiêng và giúp một kẻ lỡ độ đường... Có là một ngày hữu ích? Vui trong việc làm nho nhỏ như bắt một con sâu trong vườn, bứt đi một chiếc lá úa vàng, hàn một mối hàn, kẻ một đường trên trang giấy... Có là một ngày hữu ích?


Có thể tạo nên một bức tường hùng vĩ mà ngày hôm nay là vết đục cuối cùng. Có thể là đỉnh mù sương của ngọn núi chót vót chưa từng in dấu chân ai, mà hôm nay ta bước tới... Đó là ngày hữu ích chăng?


Là một con người sống ngày hữu ích quả là giống như bầu trời đầy mây của ngày trở gió, thoắt một cái, vèo một cái, chớp mắt một cái đã dập dồn thay đổi, đã tạo ra trong lòng ta một điều gì trước đó không hề có.


Không ai ăn nổi một món dù rất ngon đến 100 bữa liền. Sự nhàm chán, tẻ nhạt vô vị của vòng quay đồng hồ, của một đoạn đường quá quen thuộc, của một câu chuyện nhắc đi nhắc lại đến thuộc làu... đã làm tê cằn đi bao nhiêu tâm hồn, làm mòn mỏi đi bao nhiêu sinh mệnh mà một thời chưa xa, người ta gọi là " sớm vác ô đi tối vác về..."


Một ngày hữu ích, một ngày không nhàm chán... khó như mở cửa thiên đường, nhưng cũng cần như thế, vì con người luôn mơ ước được vào thiên đường, vượt qua cái cửa ngặt nghèo cuộc sống nhân thế./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét