Thứ Năm, 10 tháng 9, 2009

Khi người ta... nhỏ.

Mượn tiêu đề truyện ngắn " Khi người ta trẻ" của nhà văn Phan Thị Vàng Anh và mô đi phê đi tí ti để thành cái tự entry này. Nguyên do là vì sáng qua tại quán phở tôi có gặp một đôi bạn trẻ rất dễ thương. Ngồi đối diện với chỗ tôi ở bàn kế bên là một cô bé độ 4-5 tuổi có đôi má bầu bĩnh, mặc chiếc váy hoa ngắn với hai ngoe tóc cũn cỡn ngộ nghĩnh. Một lát sau có ba mẹ con đi vào, vì đông người nên cậu bé bị mẹ đẩy bắn vào trong nhà, đang mếu máo thì nghe tiếng cô bé gọi to rất mừng rỡ: " Lâm ơi, Lâm ơi!" Thế nhưng bạn Lâm, một cậu bé cũng trạc tuổi cô bé ( chắc học cùng lớp mẫu giáo ) chỉ quay lại nhìn mà chẳng nói năng gì. Ba mẹ con ngồi đối diện ở bàn tôi nên tôi có dịp quan sát đôi bạn trẻ rất kỹ. Cô bé từ bàn của mình cứ chăm chăm nhìn cậu bé với nụ cười he hé nhưng cậu bé lại giả vờ như không thấy. Tuy nhiên, lúc phở bê đến, cậu bé lại chẳng chịu ăn ngay mà cứ quay lại nhìn cô bé, nhìn rất lâu, nhất là khi cô bé bị mẹ đánh vào tay vì tội cầm đũa không đúng cách khiến cô bé suýt khóc nhưng chắc cô đã phải kìm lại giọt nước mắt của mình vì không muốn khóc trước sự chứng kiến của một " bạn trai". Cô bé ăn xong trước, đứng dậy đi về với mẹ, trước khi đi cô còn hồn nhiên vẫy vẫy tay với bạn: " Chào Lâm", nhưng cả lần này nữa, bạn Lâm cũng chẳng một câu chào đáp lại. Bọn con trai vốn ngốc nghếch và ngờ nghệch ngay từ khi còn bé tí như thế đấy, tôi đoán vậy.

Khi người ta nhỏ, người ta ngây thơ như vậy đấy, gọi tên bạn trai mà người đó không đáp lại vẫn rất vô tư và dù bị mẹ mắng khi ra về vẫn không quên chào bạn bằng giọng lanh lảnh dễ thương. Nếu đó là một cô gái, chắc hẳn cô ấy chả bao giờ dám gọi váng tên bạn trai ở chỗ đông người như thế. Khi người ta nhỏ, người ta có thể vuốt má bạn trai khi ta thích, ta có thể mút chung một que kem hay một cái kẹo mút rất chi là tình tứ, ta có thể phát xít không thèm chơi với một cậu bạn nếu vô tình một hôm nào đó ta bắt gặp cậu bạn đó cắn chung một quả ô mai với cô bạn thân nhất của ta... Khi người ta nhỏ, người ta còn có quyền làm nhiều việc mà người lớn không được phép làm như nghịch ngợm, chạy nhảy nô đùa đến toát mồ hôi hột với bạn bè, chọc ghẹo người nọ người kia, thậm chí phá phách một chút cũng chẳng sao. 

Tôi vẫn nhớ một bộ phim của điện ảnh Liên Xô cũ tôi xem từ ngày nhỏ có tựa đề: " Mẹ ơi con không muốn trở thành người lớn." Tôi không nhớ chi tiết bộ phim đó như thế nào nhưng hình như là cả gia đình nhà nọ ra sân bay để đi đâu đó nhưng cuối cùng chú bé nhân vật chính trong phim bị lạc mất và gây ra rất nhiều chuyện phiền toái cũng như vui nhộn cho mọi người xung quanh. Sau rốt cha mẹ cậu cũng tìm được cậu và câu cuối cùng cậu nói cũng là cảnh khép lại bộ phim: " Mẹ ơi con không muốn trở thành người lớn." Một bộ phim rất nhộn và có thể khiến cho bất cứ cô bé cậu bé nào cũng thèm muốn được vào ở vị trí của cậu ấy.

Gần đây, tự dưng tôi lại có một sở thích rất chi " teen" là mỗi khi đi nhà sách tôi thường tìm mua và đọc những cuốn truyện thiếu nhi nước ngoài cả trong nguyên bản tiếng Anh hay đã được dịch sang tiếng Việt như: " Pippi tất dài", " Lại thằng nhóc Emil", " Secret garden", " Nhóc Nicolas", "Alice in the wonderland", " Peter Pan", " Mít Đặc cùng các bạn"... Đọc truyện, tôi không thể nén được những lúc cười thành tiếng một mình chỉ vì các nhân vật đều rất hiếu động, nghịch ngợm với những trò chơi hết sức tinh quái nhưng bọn chúng đều hết sức thông minh và tốt bụng. Và ít nhất trong số đó có một chú bé không bao giờ chịu lớn là Peter Pan và một cô bé không muốn lớn là Pippi tất dài. Thật ngộ nghĩnh những ước mơ trẻ con ấy nhưng cũng vô cùng hiện thực. Có phải ước mơ cứ mãi là trẻ thơ là ước mơ của tất cả mọi người không? Cũng có lẽ vì thế mà tất cả người lớn chúng ta đều yêu trẻ thơ đến vậy, như nhìn thấy ở lũ trẻ tuổi thơ của chính mình...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét