Thứ Tư, 16 tháng 9, 2009

"Của nhà"

Cô ấy hay bảo " Hôm nay H. ở lại ăn cơm" mỗi khi gần đến bữa. Có hôm tôi ở lại có hôm không. Ngồi vào mâm, thường rất đạm bạc nhưng với tôi như vậy cũng quá đủ. Cô lại hay bảo " Đồ của nhà đấy, ăn nhiều đi ". Chỉ nghe vậy đã thấy ngon miệng rồi, nào là rau " của nhà" đấy, rồi trứng gà " của nhà" đấy, khoai " của nhà" đấy, xoài " của nhà" đấy, có hôm lại có món nhộng ong " của nhà" nữa chứ. Trong cái thời buổi đầy rẫy hoá chất này, đồ mua ngoài chợ không có cách nào để xác định được có phải là thực phẩm an toàn hay không thì những thứ mang tên " của nhà" thường được liệt vào hàng quý hiếm. Chỉ riêng cái chữ " của nhà" đơn giản thôi nhưng cũng nói lên được rất nhiều điều, ít ra thì cũng xác định rõ ràng nguồn gốc xuất xứ của thứ thực phẩm ta đưa vào miệng. Thường đồ " của nhà" đồng nghĩa với việc được nuôi trồng tự nhiên, không thuốc trừ sâu, không thuốc kích thích sinh trưởng, không bón quá nhiều hoá chất... cho nên khi ăn tự dưng thấy yên tâm hơn, an toàn hơn và cũng ngon miệng hơn.

Hôm nay mưa, buổi chiều ẩm ướt gợi cảm giác một chiều mùa đông đến sớm. Từ nhà mới về, tôi đi qua sạp hàng rất nhỏ đặt ngay cổng một ngôi nhà. Đã phóng vượt qua rồi nhưng thoáng thấy mấy nải chuối nên quay xe lại. Vài mớ rau muống, hai mớ rau cải và hai nải chuối là tất cả những gì của một sạp hàng bên lề đường. Một người đàn ông đứng tuổi xách túi nilon đựng tiền te tái chạy ra, mời chào " Mua chuối đi, của nhà đấy". Vâng, biết là " của nhà" thì mới quay lại mua chứ. Tôi thầm nghĩ trong bụng như thế rồi vui vẻ chọn một nải chuối tây, quả rất nhỏ nhưng trông đúng là đồ " của nhà" thật. Ông chủ sạp rau hồ hởi khoe " Tất cả rau cỏ đây đều ở vườn nhà hết, có thứ gì ăn không hết thì đem bán thôi". Tôi nhìn qua cổng vào thấy ngay những luống rau đay, rau muống mọc không theo hàng lối nào và khá tốt tươi. Đúng là " nhất cử lưỡng tiện " thật, đồ " của nhà" trồng chủ yếu để phục vụ gia đình nhưng nếu ăn không hết đem ra cổng bán, vừa có đồng ra đồng vào lại được vui vẻ, người mua cũng cảm thấy yên tâm trong lòng.

Có hôm dọc đường đi, tôi gặp các bà các cô bán tôm bán cá vừa đánh được dưới ao lên, con tôm tươi rói còn nhảy tanh tách trong những chiếc rổ con. Chỉ cách trung tâm thành phố có vài cây số thôi mà sao nơi đây vẫn còn giữ được nhiều nét chân quê đến thế, từ người dân đến nếp sinh hoạt, suy nghĩ... Thế nhưng, tất cả sẽ đổi thay rất nhanh chóng, tất cả những mảnh vườn đó, những ao hồ đó sẽ được thay thế bằng những ngôi nhà bê tông cốt thép, những ngôi nhà tầng và nếp sinh hoạt đó cũng sẽ thay đổi thôi, và con người cũng buộc phải thay đổi... Sẽ nhanh thôi... Và lúc đó thì tôi cũng chẳng còn được ăn đồ " của nhà " nữa. Thật tiếc...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét