Một lần tôi đọc trong cuốn “ Dấu ấn những nền văn minh thế giới - Những giờ rực sáng của nhân loại” của Stephan Zweig, có đoạn nhận xét về vua Mohamed của Thổ Nhĩ Kỳ ( thế kỷ 15) như thế này: “ Là một người mơ mộng nhưng lại thuộc loại người cực hiếm, biết biến những giấc mơ của mình thành hiện thực”. Có mấy ai may mắn được sinh ra là ông hoàng bà chúa để có thể dẫn quân đi chinh phạt từ châu Á sang châu Âu, trở thành hoàng đế của Đế quốc Ottoman hùng mạnh trong suốt một khoảng thời gian dài ( từ năm 1452 đến năm 1481) như vua Mohamed? Có mấy ai được may mắn sinh ra là thiên tài, để trở thành một người làm thay đổi thế giới với sức mạnh sáng tạo phi thường? Tôi là một người bình thường, và hầu hết mọi người sống trên trái đất này là những người bình thường, sống một cuộc sống bình dị có vui, buồn, thành công, thất bại, có lạc quan và bi quan, có hy vọng và thất vọng... Hầu hết chúng ta không có năng lực của một thiên tài. Thế nhưng những giấc mơ thì ai cũng có và ai cũng có quyền biến giấc mơ của mình thành hiện thực.
Ngày nhỏ, ai chẳng có lần được người lớn hỏi một câu hỏi : “ Lớn lên cháu muốn làm gì?” Câu trả lời của đứa trẻ thường là muốn trở thành phi công, trở thành cầu thủ bóng đá, trở thành bác sỹ, trở thành giáo viên, trở thành thuỷ thủ… Những câu trả lời thơ ngây ấy thường gắn liền với một hình ảnh rất ấn tượng nào đó trong đầu đứa trẻ, và không phải ít lần đứa trẻ đó có những giấc mơ phiêu diêu theo trí tưởng tượng của bản thân về con người mình sẽ trở thành trong tương lai. Rồi đứa trẻ lớn lên, hãy xem chúng giờ đây như thế nào? Đứa nói muốn trở thành phi công bây giờ là một nhân viên kinh doanh, đứa nói muốn trở thành bác sỹ chữa bệnh cho mọi người giờ là một nhân viên văn phòng, đứa nói muốn trở thành thuỷ thủ giờ đây đang là một công nhân xây dựng… Cuộc sống vẫn trôi đi nhưng những giấc mơ đã bị quên lãng từ lâu. Khi đặt ra một câu hỏi cho tất cả mọi người, rằng “ Bạn có hài lòng với lựa chọn nghề nghiệp hiện tại của mình không?”, có mấy ai dám trả lời là “Tôi rất hài lòng” không? Tại sao có cảm giác nuối tiếc trong cuộc đời, bởi vì con người đã bỏ qua quá nhiều cơ hội để làm một việc gì đó thay đổi cuộc sống của mình theo một chiều hướng tốt đẹp hơn. Hoặc có thể bởi vì họ đã bỏ quên giấc mơ của mình ở đâu đó trong quãng đường đời để theo đuổi những gì chính bản thân họ cũng không thể hiểu nổi.
Hầu hết mọi người thường nghĩ rằng giấc mơ hay ước mơ là một cái gì đó xa vời không thể với tới được, hoặc họ có ước mơ nhưng bản thân họ lại chẳng bao giờ làm điều gì để biến mơ ước của mình thành sự thật. Vì thế với họ ước mơ mãi mãi chỉ là giấc mơ tươi đẹp nhưng không có thực. Cho nên Stephan Zweig mới xếp vua Mohamed vào loại người “ cực hiếm” là vì vậy.
Ai cũng có quyền mơ ước, có thể là ước mơ lớn hoặc có thể chỉ là một ước mơ nhỏ bé và giản dị. Chúng ta không phải là những thiên tài nhưng chúng ta đều có quyền biến những ước mơ của mình trở thành hiện thực. Vậy nên đừng bao giờ đánh mất những giấc mơ của mình, hãy giữ lửa cho những giấc mơ rồi một ngày giấc mơ đó sẽ toả sáng. Phần thưởng luôn ở cuối con đường, dành cho những con người dám mơ ước và dám hành động, nỗ lực để biến những mơ ước đó trở thành một phần cuộc sống thực tại của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét