Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2008

Tuổi thơ tôi - Cáy cáy còng còng.


Nhà tôi ở gần sông, khi xưa tôi bé nhà cửa còn rất thưa thớt và hoang vắng chứ không sầm uất và nhộn nhịp như bây giờ. Cả một vùng đất rộng lớn toàn những cánh đồng bỏ hoang và hồ ao nằm san sát nhau. Mỗi khi mưa xuống, ếch nhái thi nhau kêu ộp oạp ran trời rất vui tai. Ngày mưa cũng như ngày nắng, mùa đông cũng như mùa hè, luôn luôn có những người làm nghề đánh dậm hoặc bắt cua bắt cáy kiếm ăn ở đó.


Bọn trẻ chúng tôi hồi ấy, chẳng bao giờ phải lo kiếm miếng ăn nhưng suốt ngày rủ nhau rong chơi trên những cánh đồng và hồ ao gần nhà. Tuy chơi nhưng chúng tôi cũng thích bắt những con cua con cáy về nấu canh bởi vì cua và cáy ngày đó nhiều vô kể. Cáy làm hang ở cả trong vườn, thậm chí đôi khi chúng còn thảnh thơi lang thang trên sân nhà, cứ như thể không hề biết đến nỗi hiểm nguy bị tóm cổ bất cứ lúc nào. Mùa hè, cáy rửa sạch, bỏ mai, giã lọc nước nấu với mùng tơi, rau đay, thêm quả mướp hương luôn là món ăn tuyệt vời nhất.


Những con còng còng, lâu lắm rồi tôi không nhìn thấy ở bất cứ đâu nữa. Chúng chẳng bao giờ được bán ở chợ bởi vì không ai ăn còng còng bao giờ. Chúng rất đặc biệt bởi thân hình nhỏ bé và đôi càng to quá khổ với những màu sắc sặc sỡ rất đẹp. Tôi vẫn thường ngạc nhiên và ngưỡng mộ rất nhiều con vật đỏm dáng đó. Chúng đỏm dáng và cẩn thận từ cách đào hang làm tổ. Không giống như loài cáy hôi thường rất xuề xoà trong việc đào hang, hang của còng còng thường nhỏ hơn, trơn nhẵn, gần như thẳng đứng và chúng thường chọn những nơi đất rất cứng để đào hang. Chính vì cách đào hang này mà bắt còng còng bao giờ cũng khó hơn đào cáy rất nhiều. Chúng cũng thính nhạy hơn loài cáy nên chỉ cần thoáng thấy bóng người là chúng đã thụt vội vào hang trốn biệt. Để bắt còng phải rất nhanh nhẹn và bất ngờ, đợi cho tới khi chúng mon men ra khỏi hang khá xa rồi bất ngờ bịt lỗ hang chúng sẽ không có chỗ mà thoát thân... Bọn trẻ con xóm tôi hay bắt còng còng về chơi và khoe với nhau những con có đôi càng to và đẹp nhất, màu sắc rực rỡ nhất. Con thì có đôi càng màu đỏ chói như lửa, con thì có đôi càng màu xanh như ngọc, con thì có đôi càng màu lấp lánh đủ màu...


Sau này, khi tôi lớn lên và đi xa, tôi mới nhận ra một điều là thiên nhiên thật tuyệt vời khi ban tặng cho các loài những món quà vô giá. Đó là những màu sắc mà ở xưởng vẽ của bất kỳ người hoạ sỹ nào cũng không thể sánh bằng, giống như màu sắc trên đôi càng của con còng còng bé nhỏ.

Tuổi thơ tôi - Chuồn chuồn cắn rốn.

Có đứa trẻ nào chưa từng được nghe câu đồng dao " Chuồn chuồn cắn rốn bốn ngày biết bơi"? Giờ đây tôi vẫn thường mỉm cười mỗi khi vô tình nghe ai nói câu nói đó. Nó gợi cho tôi nỗi nhớ về một thời trẻ con vô tư và khờ dại. Tuổi thơ tôi, nghe người lớn nói " Chuồn chuồn cắn rốn, bốn ngày biết bơi", tôi dại dột tin và dại dột làm theo, không dưới vài lần.


Ngày xưa ấy, khi con người còn sống giữa thiên nhiên nhiều và khi cây cối còn rậm rạp xum xuê, chuồn chuồn đông vô kể. Những ngày hè không biết chuồn chuồn ở đâu bay về đầy khoảng sân vườn ngợp nắng. Những con chuồn chuồn thân vàng óng, những cái cánh mỏng manh xoè rộng duyên dáng, những cái đầu nghênh nghênh ngộ nghĩnh. Những chú chuồn chuồn ớt đỏ như quả ớt chín luôn là mục tiêu săn đuổi của lũ trẻ con bởi giống chuồn đó đẹp hơn và hiếm gặp hơn những loại chuồn khác. Những chú chuồn chuồn kim bé tí xíu như những cái kim khâu thường không được để mắt tới bởi chúng quá mỏng manh yếu ớt. Chuồn chuồn đá có màu giống như viên đá vôi màu xanh, tuy nhỏ bé nhưng trông rất mạnh mẽ, dũng mãnh. Nhiều nhất vẫn là loại chuồn chuồn thường, màu ghi xám có đôi chỗ màu đen, đôi mắt tinh nhanh đảo như hòn bi ve mỗi khi có đứa trẻ con rón rén lại gần, giơ tay định bắt. Chúng đợi cho đứa trẻ đến thật gần mới bất ngờ bay vù đi, để lại đứa trẻ đứng ngẩn ngơ dưới cái nắng hè.


Hiếm gặp và khó bắt nhất bao giờ cũng là loại chuồn chuồn ngô hay còn gọi là chuồn chuồn chúa bởi vì chúng rất to và khoẻ, phải to gấp hai ba lần loại chuồn chuồn bình thường. Trông bề ngoài chúng cũng dữ tợn và hùng hổ rất xứng với cái tên chuồn chuồn chúa. Để bắt được chuồn chuồn ngô thì thường không thể dùng tay bởi chúng rất tinh khôn và nhanh nhẹn mà phải dính bằng nhựa thông. Một cây tre dài chỉ cần dính một chút nhựa thông ở đầu đã trở thành một  thứ công cụ bắt chuồn chuồn rất hiệu quả. Tôi vẫn nhớ câu thơ bọn trẻ thường trêu chọc nhau mỗi khi ai đó dùng tay bắt chuồn " Chuồn chuồn có cánh thì bay, có thằng cu tí thò tay bắt chuồn." Dường như chú chuồn chuồn nghe thấy và hiểu tiếng bọn trẻ, nó nghiêng đầu nghe ngóng rồi bay vụt đi, để lại đằng sau tiếng cười vỡ oà trong cái nắng hè oi ả.


Ngày nhỏ, thấy bọn trẻ trai trong xóm kéo nhau ra sông ra ao tập bơi, tôi thích lắm nhưng không dám. Thấy người lớn nói cho chuồn chuồn cắn rốn là biết bơi, tôi cắn răng cho chuồn cắn rốn, đau điếng, đôi khi đau đến trào nước mắt nhưng vẫn cố chịu, hy vọng sẽ sớm biết bơi. Cho chuồn cắn rốn rồi thì lội xuống ao vùng vẫy nhưng vẫn thấy chìm nghỉm, lại bắt chuồn cho cắn rốn, hết lần này đến lần khác. Vẫn chẳng thể nào nổi được. Tôi ơi, dại dột và ngây thơ quá đỗi, cho đến giờ trình độ bơi lội vẫn chỉ hơn lúc mới tập tí xíu thôi. Sau này biết chỉ là những lời nói vui nên càng thương nhớ tuổi thơ của mình nhiều lắm.

Thứ Tư, 25 tháng 6, 2008

Tuổi thơ tôi - Trèo cây bắt bướm.

Trẻ con thường chẳng mấy khi ngủ trưa. Có lẽ bởi cuộc sống dưới đôi mắt một đứa trẻ có quá nhiều điều thú vị đang chờ đợi được khám phá. Ở ngoài kia có biết bao nhiêu niềm vui thú, bao nhiêu điều kỳ lạ, chúng đáng giá hơn một giấc ngủ trưa nhiều chứ, tại sao phải mất thời gian cho việc ngủ trưa nhiều đến thế? Cho nên bọn trẻ con mỗi khi bị bố mẹ bắt ngủ trưa thường chỉ giả vờ nhắm mắt cho đến khi vừa đến giờ thức giấc là lập tức vùng dậy, tỉnh như sáo sậu và sẵn sàng cho những cuộc đi chơi rong ruổi quên cả giờ về.


Tuổi thơ tôi, những trưa hè oi ả, nằm giả vờ nhắm mắt đợi bố mẹ ngủ say rồi len lén ngồi dậy, khẽ khàng mở cửa để chạy theo  tiếng gọi hấp dẫn của những trò chơi và đám bạn đang đợi tôi ngoài ngõ. Thường là một cuộc hành trình ngẫu hứng kéo dài từ trưa cho tới khi chiều muộn, khi hoàng hôn dần nhạt nắng và khi các nhà đang lục tục chuẩn bị cho bữa chiều.


Tuổi thơ tôi, theo bạn bè trèo cây hái quả ven đường. Những quả xoài xanh, những quả ổi chín vàng ươm, những quả roi đỏ ửng trong nắng, những quả trứng cá chín mọng đỏ thơm lừng... được chúng tôi thu lượm được từ những cuộc hành trình đó và coi như những chiến lợi phẩm quý giá vô cùng. Những chiến lợi phẩm đó là phần thưởng đền bù xứng đáng cho những lần trèo cây đến rách toạc cả áo quần, những lần ngã đến sứt da chảy máu, những lần ba chân bốn cẳng chạy trốn khỏi những con chó nhà hung hăng dữ tợn hoặc những lần bị chủ nhà bắt được và doạ cho phát khóc vì tội dám trèo cây hái trộm quả...


Cho đến tận bây giờ, tôi cũng không thể nào quên được vị ngon ngọt của những trái cây chiến lợi phẩm ngày đó. Xoài xanh hái được đem về chấm muối ớt, xúm xít ngồi, vừa ăn vừa xuýt xoa vì cay và chua đến ê cả răng mà sao ngon đến thế. Những trái trứng cá nhỏ tí nhưng rất thơm và ngọt một thời đã là món ăn vô cùng ưa thích của tôi. Ưa thích đến nỗi tôi đã từng tự hỏi rằng tại sao người ta lại không làm kem bằng loại quả có hương thơm rất độc đáo ấy. Nếu có, chắc hẳn tôi đã là một fan hâm mộ nồng nhiệt rồi.


Tuổi thơ tôi, đuổi bướm hái hoa. Ngày xưa ấy, mỗi khi xuân tới hè sang, từng đàn bướm ở đâu kéo về bay lượn trên những bông hoa đang khoe sắc dưới nắng vàng. Có biết bao nhiêu loài bướm đủ màu sắc, rực rỡ hơn cả những đóa hoa, chúng khiến tôi mệt nhoài vì chạy đuổi theo để bắt. Những con bướm bắt được, tôi đem về ép vào trang vở để khô rồi thường thì sẽ quên mất. Đến một hôm nào đó vô tình giở lại trang vở cũ, những bụi phấn trên cánh bướm lả tả rơi xuống tôi mới giật mình vì sự lãng quên của mình. Nhìn những xác bướm khô héo ấy, tôi tự nhủ sẽ không bao giờ bắt bướm để ướp khô nữa. Những cánh bướm rập rờn trong nắng thật duyên dáng và đáng yêu mà sao khi bị ép khô lại trở nên vô hồn đến vậy. Có lẽ bởi những cánh bướm đó chỉ đẹp và có hồn khi được ở giữa thiên nhiên, ở trong môi trường thân quen của chúng, được nô giỡn với hoa cỏ và gió trời, được thoả sức khoe sắc giữa đất trời. Cho nên, tôi đã để chúng được tự do thoả sức bay lượn và khoe sắc với đời những gì đẹp đẽ nhất và đáng yêu nhất, như những tinh tuý ban tặng cho loài người và cho trái đất này vậy.

Tuổi thơ tôi - Đồng dao và những trò chơi tuổi nhỏ.

Một lần, trong chương trình truyền hình, tôi nghe thấy một bài hát đồng dao dành cho trẻ con từ rất lâu rồi:


" Thẻ cá mè


Đè cá chép


Tay nào đẹp thì đi bẻ ngô


Tay nào to thì đi dỡ củi


Tay nào nhỏ thì hái đậu đen


Tay lọ lem thì xấu xấu lắm


Mau đi về đi rửa tay cho sạch."


Trong lòng tôi bỗng trào lên nỗi nhớ êm dịu về tuổi thơ của mình, một tuổi thơ gắn liền với những bài đồng dao và những trò chơi dân gian, những thứ mà giờ đây dường như không còn tồn tại nữa trong cuộc sống hiện đại nữa.


Tuổi thơ tôi, gắn liền với những trò chơi như trò chơi chuyền. Này chuyền một, một đôi, này chuyền hai, hai đôi, này chuyền ba, ba đôi... Mùa hè, tỉ mẩn chọn những thanh tre đã được phơi khô, vót thành mười thanh chuyền nuột nà và xinh xắn. Mẹ đi chợ về mua được cân cà pháo, chọn quả cà to nhất và già nhất làm quả tung. Tôi với bạn bè xúm xít ở hiên nhà mát rượi có thể say sưa chơi suốt cả buổi chiều.


Có những bài đồng dao và những trò chơi đã ăn sâu vào trí nhớ tôi mà có lẽ suốt cả cuộc đời này tôi không bao giờ quên được.


" Đi kiểm chúa na,


Đi cà chúa kiểm,


Bắt con kiểm già


Đi hái lá mơ,


Đi xơ lá cải,


Một tay cầm cái,


Một tay cầm quân,


Ông lão đánh đòn


Giơ tay kiểm điểm".


Có thể những bài đồng dao tôi hát thủa nhỏ chỉ là một biến thể của những bài đồng dao gốc, chính xác hơn nhưng đối với tôi và bạn bè ngày ấy điều đó đâu có quan trọng gì lắm. Chúng tôi hát và chúng tôi chơi, trong những đêm trăng tụ tập với nhau ngoài vỉa hè đường phố hay những khu đất trống trải chưa được xây dựng.


Vẫn nhớ như in những lần chơi thả đỉa ba ba: " Thả đỉa ba ba, chớ bắt đàn bà, phải tội đàn ông..." hay những lần chơi Rồng rắn lên mây: " Rồng rắn lên mây, có cây núc nác, có nhà hiển minh, hỏi thăm thầy thuốc có nhà hay không?" Những lời lẽ trong các bài đồng dao đó, hồi nhỏ tôi không hề biết ý nghĩa nhưng vì nó rất đơn giản và mộc mạc nên thật dễ nhớ. Những trò chơi đó cũng không chút phức tạp cầu kỳ, nó mang lại tiếng cười và niềm vui không dứt cho những đứa trẻ là chúng tôi ngày đó.


Tuổi thơ tôi, lê la đất cát, chơi trò tìm kim. " Kim kỉm kìm kim, nhà ai mất chó sang nhà tôi mà tìm". Tuổi thơ tôi, dắt tay nhau đi trong đêm trăng, nhìn bóng mình dưới đất, chơi trò Dung dăng dung dẻ.


" Dung dăng dung dẻ,


Dắt trẻ đi chơi,


Đến ngõ nhà trời,


Gặp cậu gặp mợ,


Cho cháu về quê,


Cho dê đi học,


Cho cóc ở nhà,


Cho gà bới bếp,


Ù à ù ập


Ngồi xập xuống đây."


Những tiếng cười trong trẻo của tuổi thơ ấy sẽ còn vang vọng trong ký ức tôi mãi mãi.


 

Thứ Ba, 24 tháng 6, 2008

Tuổi thơ tôi - Hoa cỏ dại.

Mỗi khi nhớ đến một quãng tuổi thơ, có một thứ thường tràn ngập trong ký ức của tôi, đó là những đoá hoa dã thảo, loài hoa cỏ dại hay mọc bên vệ đường ở những vùng ngoại ô hay trên mỗi triền đê ở một vùng quê nào đó.


Ngày ấy nhà tôi thuộc vùng ngoại ô, nơi còn rất hoang sơ với những cánh đồng bỏ hoang và những bụi hoa cỏ dại mọc um tùm bất cứ nơi nào ít người qua lại. Trong vườn nhà cũng có rất nhiều hoa cỏ dại, chúng nằm xen kẽ giữa các luống rau. Những bông hoa bé tí xíu và có màu sắc nhạt nhoà nhưng với tôi chúng quá đỗi dịu dàng và duyên dáng. Tôi thường đi giữa những luống cây, tìm hái một bó nhỏ hoa dã thảo đem về cắm trong cái bình gốm đen nơi đầu giường. Những bông hoa dại thường chóng tàn nhưng tôi vẫn yêu chúng thật nhiều, như yêu chính tuổi thơ bình yên và dung dị của mình.


Những chiều mùa hè rảnh rỗi, tôi thường hay lang thang trên những triền hoa cỏ dại mọc bạt ngàn xung quanh nhà tôi ở. Tôi thích để mặc cho những hạt hoa bướm dại hay hoa cỏ may bám đầy gấu quần rồi lại ngồi xuống tỉ mẩn gỡ từng hạt hoa thả bay theo gió. Tôi hay ngậm những quả cây tanh tách trong miệng rồi nghe cảm giác thú vị của hai chiếc vỏ quả vỡ lách tách trong miệng mình. Tôi có thể ngồi hàng giờ bên một bụi hoa xấu hổ, trêu ghẹo chúng, xem chúng khép nép những chiếc lá mỗi khi tôi chạm nhẹ trên những lá cây. Những bông hoa xấu hổ màu tím xinh xinh thường khiến tôi có cảm giác như đang nhìn ngắm một cô gái thật nhu mì e lệ... Tôi thích chân trần chạy trên những đám cỏ mịn, nghe cái mát lạnh của đất ngấm vào da thịt, thích hái một ôm những bông hoa cỏ dại mà tôi cũng không biết tên, thích hái những cây cỏ gà để chơi chọi gà với chúng bạn, tiếng cười trong trẻo vang vọng trong hoàng hôn tím lịm.


Những ngày lang thang của tuổi thơ, tôi đã biết yêu những loài hoa nhỏ bé và khiêm nhường cũng như yêu những điều dung dị và mộc mạc xung quanh tôi. Tôi cứ hồn nhiên sống giữa thiên nhiên như thế, không hề biết rằng tôi có một tuổi thơ giàu có và đẹp đẽ biết nhường nào. Cái thiên nhiên giản dị ấy như ăn vào máu thịt của tôi, là một phần trong con người tôi. Để có lúc tôi đã ngỡ ngàng khi nghe một người bạn nói rằng tôi cũng giống như loài hoa cỏ dại, bình dị và có sức sống mãnh liệt, dẻo dai. Lúc ấy tôi đã muốn cười to lên bởi chính tôi đã không nhận ra sự so sánh đó và bởi vì sự so sánh đó thật chính xác biết bao.


Chính trong giây phút đấy, tôi cũng biết rằng tôi yêu tuổi thơ của tôi và tôi yêu cuộc sống này biết bao nhiêu.

Thứ Hai, 23 tháng 6, 2008

Những người sinh ra để làm thay đổi thế giới

Đang đọc " Suối nguồn", cuốn tiểu thuyết của nữ văn sĩ Ayn Rand, một cuốn sách được đánh giá là " khó nhai" và " nặng"... với hầu hết mọi người. Tuy nhiên khi đọc thì thấy nó cũng không quá nặng như kiểu " Lao động biển cả" của Victor Hugo. Thực ra thì cũng không thích cái thể loại văn chương triết lý phải vừa đọc vừa ngẫm mới hiểu này nhưng đôi khi thấy cần phải bổ sung cho cuộc đời những thứ rượu mạnh thậm chí có thể gây shock. Như kiểu có những người mắc bệnh tự hành hạ bản thân hay tự gây ra những vết thương trên thân thể và thản nhiên tận hưởng nỗi đau đớn từ những vết thương ấy để cảm thấy được xoa dịu hay thậm chí tìm thấy khoái cảm từ việc làm đau bản thân mình.


Người ta thường hay nói về khái niệm " người đàn ông đích thực" và dường như cuốn sách này đã đưa ra một mẫu người đàn ông như vậy, dĩ nhiên là với tiêu chuẩn của tác giả mà không phải với tất cả mọi người. Đó là một con người luôn sống với cái " tôi" trung thực và tốt đẹp nhất của bản thân mình mà không biết đến bất cứ một dạng nào khác ngoài cái tôi đó cũng như không ai hoặc thứ gì có thể huỷ hoại nổi. Howard Roark đã nói với Dominique, người yêu của anh thế này: " Nếu em muốn đau khổ thay cho anh, thì đừng đau khổ nhiều hơn anh. Anh không có khả năng đau khổ một cách hoàn toàn. Anh chưa bao giờ có khả năng đó. Nỗi đau chỉ xuống đến một điểm nào đó, rồi nó dừng lại. Miễn là còn có cái điểm không thể chạm tới đó, nó không thực sự là nỗi đau." và " Em phải học cách không sợ hãi thế giới này. Không để nó nắm giữ em như bây giờ nó đang nắm giữ em. Không để nó làm em tổn thương như nó đã làm em tổn thương ở phiên toà. Anh phải để em tự học lấy điều đó. Anh không thể giúp em. Em phải tự tìm lấy cách của mình. Khi em tìm được cách, em sẽ quay lại với anh. Họ sẽ không huỷ diệt được anh, Dominique "


Đó là con người sinh ra để làm thay đổi thế giới với khả năng sáng tạo phi thường, không mệt mỏi và không gì có thể khiến người đó đi chệch khỏi phương hướng của mình. Ở trong con người đó luôn tràn ngập những ý tưởng mới mẻ, luôn muốn thoát ra khỏi cái lối mòn sáo rỗng đã tồn tại trong xã hội và trong mỗi con người hàng bao nhiêu thế kỷ. Con người đó dù bị toàn xã hội bảo thủ trì trệ cố tình vùi dập nhưng cái xã hội đó không dập tắt được cái vĩ đại từ trong con người này toát ra và bao phủ lên bất cứ thứ gì người đó sáng tạo ra.


Trong lịch sử, đã có biết bao nhiêu người sinh ra để làm thay đổi thế giới? Đã có biết bao nhiêu người phủ cái bóng vĩ đại của họ lên thế giới này? Không thể kể hết những cái tên vĩ đại đó cũng như chúng ta không thể biết thế giới này sẽ ra sao nếu như không có những con người như vậy?

Thứ Ba, 3 tháng 6, 2008

Hâm

Oài, dạo này hỏng rồi, hỏng thật rồi. Nhấc điện thoại lên rồi lại đặt xuống mấy lần mà không biết phải nhắn tin cho giai như thế nào nữa. Đấy là còn có mấy ngày giai ra chơi rồi hai đứa đi chơi rất chi là nồng thắm nữa đấy nhá, cũng mới thôi chứ đã lâu la gì cho cam. Thế mà bây giờ muốn hỏi thăm tí ti mà còn không biết phải nhắn tin như thế nào cho phải. Mãi mới phọt ra được một câu " Anh khoẻ không?". Trả lời lại là khoẻ rồi hỏi thăm. Lại tịt tiếp. Không biết phải trả lời lại thế nào. Không nói được một câu xã giao. Im thin thít như thịt nấu đông mặc dù cũng muốn nói câu gì đó hay ho chút mà chẳng nghĩ ra được gì. Chả lẽ dạo này mất cảm hứng nói chuyện với giai đến thế rồi chăng? Hỏng nặng rồi.

Im lặng thì cũng áy náy, thế là mãi mới lại phọt tiếp ra một câu đại loại là không có gì cả, chỉ là nhớ anh thì nhắn tin thôi ( tình cảm vãi ). Hình như đối phương... choáng hay sao ấy, hay cũng ở trong tình trạng như mình là không biết phải trả lời thế nào mà thấy lặng ngắt như tờ. Mãi sau thì cũng thấy nhắn lại đại loại là anh cũng nhớ em, rồi thi thoảng nhắn tin cho anh nhé. Cũng bái phục tài xã giao của đối phương thật đấy. Thôi, không hành hạ nhau nữa nhá. Lần này thì tịt hẳn. Chắc nửa tháng hoặc một tháng nữa mới lại nhắn tin. Không thì thi thoảng lên mạng gặp nhau chat chit hoặc chat voice cho nó lành chứ cứ nhắn nhiếc kiểu này khó chịu vãi đái.

Thế mà ai đó nói rằng thích nhắn tin rồi nhắn tin thì tiện lợi hơn là gọi điện vv và vv... Rồi có đứa còn nói mỗi ngày phải nhắn đến mấy chục tin thì ăn mới ngon, ngủ mới yên; rồi cứ nghe thấy tiếng tin nhắn là tự nhiên thấy hưng phấn hết cả lên, mặt mũi thì tươi tỉnh, máu chảy giần giật trong huyết quản... Thế thì lại đoán bọn này hoặc là bốc phét hoặc bị hâm nặng rồi. Nhắn tin thì có gì hay ho chứ, toàn những mỹ từ sáo rỗng được nói ra mà chưa chắc đã đúng là ý của khổ chủ. Nếu là trường hợp khẩn cấp thì cũng chẳng nên nhắn tin làm gì mà gọi điện cho nhanh. Nếu không cần thiết thì nhắn tin chỉ có tác dụng để hỏi thăm hoặc trao đổi thông tin là có chút hữu ích. Còn hầu hết mọi người dùng tin nhắn để chim chuột nhau là chủ yếu. Mà chim chuột thì chán mớ rồi, bây giờ mình chẳng thấy hứng thú chút nào hết.

Chết dở, nói đi nói lại thì cũng không biết tóm lại rằng thì là mà chúng nó hâm hay mình hâm nữa. Chắc cũng có tí.