Hôm nay "hạ sơn", à quên, xuống phố, chứng kiến vài cảnh trái tai gai mắt khiến cho mình cảm thấy bức xúc. Mặc dù đã nói không quan tâm đến mọi sự ở đời rồi mà cũng vẫn không thể không cảm thấy một chút buồn lòng.
Câu chuyện thứ nhất
Nơi ngã tư Nguyễn Du cắt Bà Triệu hàng ngày có rất nhiều người ngồi bán hoa hồng, hàng trăm hàng chục bông hồng được xếp đồng màu ngay ngắn trên những chiếc mẹt, đoá to và rất nhiều sắc rực rỡ chói chang, đẹp đến sững sờ. Nhưng từ lâu rồi chính quyền thành phố không cho phép bán hoa ở đấy cũng như trên bất cứ con phố lớn nào nữa, những người bán hàng rong thường chỉ lén lút bán chui và mỗi khi có công an đến đuổi là chạy toán loạn, đến khi công an đi rồi lại quay về bán hàng bình thường.
Trưa nay đi ăn với cô bạn về, đang đi trên đường Nguyễn Du, vừa đến ngã tư, từ phía sau lặng lẽ vượt lên một anh công an chở một chú dân phòng ( hay gọi là gì đó đại loại thế). Anh công an đi chậm lại cho chú dân phòng nhảy xuống rồi phóng xe đi mất. Thoáng trông thấy bóng dân phòng, mấy người bán hoa vội vàng ôm mẹt mạnh ai nấy chạy, hoảng loạn và tơi bời như trận địa gặp phục kích bất ngờ đánh úp. Giữa trưa, trên phố vẫn đông ô tô xe máy. Vài người chạy thoát và chú dân phòng rắp tâm đuổi theo một chị bán hoa đang chạy vượt qua ngã tư sang phía đường bên kia. Chỉ thấy hoa rơi tan tác và tôi đang nói với cô bạn về nỗi lo lắng sẽ có tai nạn xảy ra thì nhìn sang đã thấy một cô bé học sinh nằm bất động dưới đất. Có lẽ trong lúc cuống cuồng chạy mong thoát thân, chị bán hoa đã va vào xe đạp của hai cô bé học trò đang trên đường đi học khiến cho xe bị đổ và một cô bé bị ngã đập mặt xuống đất. Bên cạnh cô vẫn lăn lóc vài bó hoa tơi tả, còn chị bán hoa không biết đã biến mất đằng nào. Chú dân phòng thấy vậy cũng không bắt cả mẹt và hoa nữa mà vội vã leo lên một chiếc xe ôm đi mất. Mọi người lúc đó mới xúm vào đỡ cô bé dậy và đưa cô bé vào lề đường cấp cứu. Vẫn còn may lúc cô bé ngã bên đường Bà Triệu đang là đèn đỏ nên không có chiếc ô tô nào chạy tới. Nếu không thì không biết tai nạn sẽ còn thảm khốc đến mức nào.
Chứng kiến cảnh tượng xảy ra ngay trước mắt, tôi đang xót xa cho cô bé học trò gặp tai bay vạ gió còn cô bạn tôi rất phẫn nộ với người dân phòng. Cô cho rằng người dân phòng phải chịu trách nhiệm chính về tai nạn mới xảy ra. Hầu hết mọi người chứng kiến có lẽ cũng chửi bới chú dân phòng và thông cảm cho người bán hoa, thương xót cho cô bé học sinh, còn bản thân tôi có vài suy nghĩ như thế này:
1. Chú dân phòng đó thật đáng trách bởi vì đã dồn chị bán hoa đến chân tường khiến cho chị đó gần như mất trí chạy ra giữa đường phố đông người và kết cục là lao vào người khác khiến gây tai nạn. Từ lâu tôi đã rất tâm đắc một câu nói " Đừng dồn ai tới chân tường", càng suy ngẫm tôi càng thấy đúng vô cùng. Làm người ai cũng có lúc lên voi xuống chó, khi bị dồn tới chân tường, con người dễ cùng quẫy làm càn và hậu quả nhiều khi khôn lường. Nếu chú dân phòng đuổi mà thấy người ta chạy thì đừng có cố mà đuổi tới cùng thì có lẽ sẽ không xảy ra việc nghiêm trọng như thế.
Về một khía cạnh khác, chú ta cũng chỉ làm đúng trách nhiệm bổn phận của mình nên chú ta cũng không đáng trách. Tuy nhiên, nếu các anh công an phường muốn dẹp hẳn việc bán hoa tại ngã tư này tại sao không cử hẳn một anh dân phòng đi tuần ở đó nửa tháng một tháng, những người bán hoa sẽ không dám bén mảng bán ở đó nữa và lâu dần sẽ mất thói quen bán hàng ở đây. Cứ chơi kiểu đánh úp như này vừa không hiệu quả lại dễ gây tai nạn chết người như chơi. Lúc đó không biết sẽ quy trách nhiệm cho ai đây?
2. Những người bán hàng rong, họ thật đáng thương và cũng thật đáng trách. Họ đáng thương bởi vì họ rất vất vả, hàng ngày phải bán mặt ngoài đường hứng đủ các loại bụi và khí thải độc hại chỉ mong bán được vài bông hoa mà lãi lời chắc cũng chẳng là bao. Họ cũng đáng thương vì họ không có nhiều tiền để thuê cửa hàng bán hoa đàng hoàng, hàng ngày phải lén lút, chui lủi bán ngoài vỉa hè với đủ thứ lo sợ ở đời. Họ lo bán hoa không hết hoa sẽ bị héo hoặc nở bung hết là sẽ lỗ vốn; họ lo công an, dân phòng bắt là toi luôn cả một ngày trời vất vả... Họ đáng thương vì phàm đã là con người mà cứ phải chui lủi thì quả thật cũng chẳng sung sướng gì.
Nhưng họ đáng trách nhiều hơn bởi vì họ đã biết quy định của nhà nước cấm bán hàng rong trên các tuyến phố mà vẫn cố tình làm sai. Có thể ai đó coi những gánh hàng rong trên phố là một nét đẹp và một nét văn hóa độc đáo của Hà Nội nhưng tôi không đồng ý với suy nghĩ đó. Hà Nội ngày càng giống một bãi rác khổng lồ chính một phần cũng vì những người bán hàng rong đó, những người không có một chút ý thức vào việc cần phải giữ gìn trật tự an ninh và vệ sinh chung của thủ đô. Cũng chính văn hoá " tiện lợi", nói văn vẻ là " door to door " mà dịch nôm na là " hàng bán tận cửa nhà" khiến cho người ta chỉ nhìn thấy mối lợi trước mắt là đỡ tốn thời gian đi mua hàng mà không nghĩ rằng những người bán hàng rong đó sẽ góp phần làm phố xá trở nên lộn xộn, bẩn thỉu và bất ổn định do rất khó quản lý về mặt hành chính cũng như về mặt nhân thân. Nếu như những người bán hàng rong ấy vẫn tiếp tục vi phạm pháp luật như vậy thì đến một lúc nào đó chính họ sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề chứ không chỉ gây ra những tai nạn kiểu như tai nạn trên nữa.
3. Trước đây, khi tôi còn ở Trần Quốc Toản, thi thoảng tôi vẫn ra mua hoa ở ngã tư ấy. Bởi những bông hoa hồng thực sự đẹp và lộng lấy. Tôi cũng đã chứng kiến nhiều lần những người bán hoa " chạy loạn " như thế mỗi khi đi qua đây. Nhưng cho đến ngày hôm nay, bất ngờ chứng kiến cảnh tượng này, tôi quyết định sẽ không bao giờ mua hoa ở đó nữa. Tôi không muốn dung túng cho những người bán hàng rong thêm nữa và mong muốn nhiều người cũng sẽ làm như tôi. Khi không có ai hoặc rất ít người mua thì chắc chắn địa điểm đó sẽ không còn là vị trí " đắc địa" và những người bán hàng sẽ không ngồi ở đó mà bán hoa nữa. Phải từ bỏ một thói quen dù thói quen đó là xấu quả thật là không dễ nhưng đến một lúc nào đó, vì đại cục chung cũng phải từ bỏ thôi.
4. Người ta vẫn hay trăn trở một câu hỏi tại sao đến một số nước phát triển, phố xá của người ta sạch đẹp, ngăn nắp và trật tự đến thế, trong khi đó đường phố giữa lòng thủ đô Hà Nội chẳng khác gì những con đường làng lầm bụi, hỗn loạn và lổn nhổn đủ các thành phần? Những người bạn của tôi nói rằng phố xá Hà Nội ngày xưa ( thực ra cũng chỉ cách nay có vài ba chục năm chứ mấy) rất yên bình và sạch đẹp. Còn bây giờ thì sao? Tôi không muốn nói đến những vấn đề vĩ mô to tát mà chỉ muốn nói rằng sạch đẹp và trật tự hay không là do ý thức của mỗi con người. Nếu như ai cũng tặc lưỡi bỏ qua, dung túng cho những thói quen xấu thì chắc hàng trăm năm nữa thủ đô cũng không được như những nhà quy hoạch thành phố mong muốn.
Nhiều người sẽ hỏi tôi rằng, nếu như dẹp bỏ những gánh hàng rong thì họ biết đi đâu về đâu? Câu trả lời để dành cho những nhà làm chính sách, còn tôi chỉ muốn nói một điều đơn giản rằng, nếu cứ nghĩ rằng đau mà không dám cắt bỏ hoặc chỉ băng bó sơ sơ bên ngoài thôi thì một vết thương nhỏ sẽ ngày càng lở loét ra rộng thêm, rộng mãi đến mức không cứu chữa nổi. Nếu như chỉ vì những điều vụn vặt mà quên mất đại cục chung thì sẽ không bao giờ đạt được kết quả gì, cuối cùng cũng chỉ là một mớ hỗn tạp ngày càng khó giải quyết. Đã đến lúc tất cả mọi người hãy cùng nhìn lại bản thân và nếu có thể chỉ cần hy sinh vài lợi ích nhỏ nhặt hoặc chút thuận tiện vặt vãnh để cho phố xá và xã hội đẹp lên.
Câu chuyện thứ hai.
Chiều muộn, tôi có việc phải vào phố. Vừa chạy qua Nhà Hát Lớn, chỗ giao nhau giữa Cổ Tân, Tràng Tiền, Lê Thánh Tông..., tôi nhìn thấy phía trước một đôi nam thanh nữ tú đang đèo nhau. Trên tay cô gái là một túi bóng đựng cốc trà sữa trân châu uống đã gần hết. Ngay phía trước mặt đôi trai gái, bên lề đường là một thùng rác công cộng to đùng. Tôi đang nghĩ họ sẽ rẽ vào đó để vứt rác thì bất ngờ, vèo một phát túi rác bị ném nằm lăn lóc trên đường phố. Tự dưng cảm thấy bực mình, đang định phóng vượt lên nói với cô gái là " Mày không nhìn thấy thùng rác đứng lù lù kia hay sao?" thì đôi trai gái đã tăng tốc mất hút trên phố xá đông người. Chẳng biết nói sao mà cũng chẳng nói nữa vì bên trên nói quá nhiều rồi. Kết lại thì vẫn thấy rằng nếu ý thức của mọi người còn kém như vậy thì đến bao giờ Hà Nội mới thực sự xanh - sạch - đẹp đây?